Bài bút ký này đã xuất bản từ lâu, nhưng giá trị và tầm nhìn của bài viết này vẫn rất hay và có ý nghĩa trong một môi trường mà "nhà nhà thạc sĩ, người người tiến sĩ..." nay xin trích đăng lại cho những ai chưa đọc, hiểu thêm một chút về thực trạng GD & ĐT hiện nay.
*****
Cỗ xe con trên quãng đường khúc khuyểu
Tôi đã mong mỏi là các cỗ xe con EMMC&MCMC, lắp ráp tại Việt Nam chất chứa được cái hồn của một nền giáo dục Châu Âu đã vun trồng từ mấy thế kỷ, đã làm cho học thuật nhân loại khởi sắc mà Bỉ là một nước đã kế thừa khá bài bản và xuất sắc. Nhưng vì phải bon chạy trên khoản đường khúc khuyểu, có chỗ tráng nhựa nhưng có chỗ nhan nhản ổ gà, có chỗ tráng xi măng nhưng đang bắt đầu vỡ nứt, người cầm lái đã phải trải qua một quản thời gian dài với nhiều căn thẳng, lo toan.
Thời buổi cuối 1995 đầu 1996 thế kỷ trước là thời buổi các trường đại học, các viện nghiên cứu tại Việt Nam được bộ giáo dục đào tạo (GD&ĐT) cho phép đứng ra tổ chức các lớp thạc sỹ, đào tạo cao học. Đây là một giai đoạn cá biệt vì những chọn lựa lúc bấy giờ đã ảnh hưởng quyết định đến tình hình chung của giáo dục đại học tại Việt Nam sau này. Tôi nghĩ cần có một nghiên cứu thống kê đầy đủ mới xác định rõ nguyên do và hậu quả. Cảm giác của riêng tôi qua những tiếp xúc, những thông tin mà tôi lĩnh hội được đã không làm cho tôi phấn khởi. Xin ghi lại sau đây cho bạn đọc tham khảo.
Các trường đại học, các cơ sở chính quyền, vốn bị chỉ trích là có quá nhiều cán bộ không có trình độ, đã tìm cách cải tiến. Và thay vì xây dựng một kế hoạch dài hạn bài bản lấy thực học làm nền tảng, bộ đã để cho xuất hiện những lớp đào tạo cao học một cách khá vội vã, không có thành phần giáo sư đẳng cấp quốc tế, không có giáo trình tương ứng. Một phong trào chạy theo bằng thạc sỹ, chạy theo thành tích không đến hẹn mà lại lên. Tôi còn nhớ có lần ra Hà Nội đi ăn chiều với một cán bộ cao cấp tại Bộ GD&ĐT. Khi thấy tôi gọi tí rượu vang ông ta đồng ý ngay rồi nói thêm:
“Hay đấy, hôm nay tôi cần uống tí rượu để giải sầu…”.
Thấy tôi trố mắt, lộ vẻ ngạc nhiên ông ta thố lộ:
“Buồn quá. Hôm nay tôi phải làm hồ sơ để cấp 31 cái bằng thạc sỹ mà các đối tượng chẳng qua lớp đào tạo nào cả. Một quyết định từ trên cao…”. Bắt đầu từ đó tôi mới hiểu tại sao số người tự giới thiệu là thạc sỹ đông đảo nhanh như vậy!
Còn các sinh viên Việt Nam đã từng theo học các chương trình EMMC hay MCMC thì họ bảo với tôi:
“Chúng em chọn lớp thạc sỹ của thầy vì các lớp do phía Việt Nam tổ chức quá chán. Giáo trình y chan như chương trình kỹ sư đã học, chẳng có gì mới mà phải nhai đi nhai lại. Cuối năm ai cũng đậu cả, luận văn thì cứ thế mà xào nấu lại thôi…”.
Đào tạo cán bộ giảng dạy đại học, các ứng viên cấp bậc tiến sỹ, các giáo sư đại học tương lai mà không có khâu chuẩn bị người thầy đủ trình độ, đủ hiểu biết khoa học hiện đại, có tầm cỡ quốc tế là một điều khó chấp nhận. Rồi năm năm sau lại thú nhận là chất lượng giảng dạy tại các ĐH không có cải tiến, không đạt chuẩn quốc tế. Rồi những tiến sỹ được đào tạo tại Âu-Mỹ-Úc…, khi về nước thì chỉ được xử dụng nhỏ giọt. Chỗ đứng quan trọng đã có người chiếm lĩnh mất rồi! Đây chính là tình trạng bất cập mà các nhà mô phạm tâm huyết, các trí thức chân chính thường phản ảnh với báo chí.