Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Bút ký của GS Nguyễn Đăng Hưng - Phần 24: Đảm bảo chất lượng hợp tác đào tạo quốc tế trong một môi trường đầy bất trắc

Nguồn:GS Nguyễn Đăng Hưng
Bài bút ký này đã xuất bản từ lâu, nhưng giá trị và tầm nhìn của bài viết này vẫn rất hay và có ý nghĩa trong một môi trường mà "nhà nhà thạc sĩ, người người tiến sĩ..." nay xin trích đăng lại cho những ai chưa đọc, hiểu thêm một chút về thực trạng GD & ĐT hiện nay.
*****
Cỗ xe con trên quãng đường khúc khuyểu

Tôi đã mong mỏi là các cỗ xe con EMMC&MCMC, lắp ráp tại Việt Nam chất chứa  được cái hồn của một nền giáo dục Châu Âu đã vun trồng từ mấy thế kỷ, đã làm cho học thuật nhân loại khởi sắc mà Bỉ là một nước đã kế thừa khá bài bản và xuất sắc. Nhưng vì phải bon chạy trên khoản đường khúc khuyểu, có chỗ tráng nhựa nhưng có chỗ nhan nhản ổ gà, có chỗ tráng xi măng nhưng đang bắt đầu vỡ nứt, người cầm lái đã phải trải qua một quản thời gian dài với nhiều căn thẳng, lo toan.

Thời buổi cuối 1995 đầu 1996 thế kỷ trước là thời buổi các trường đại học, các viện nghiên cứu tại Việt Nam được bộ giáo dục đào tạo (GD&ĐT) cho phép đứng ra tổ chức các lớp thạc sỹ, đào tạo cao học.  Đây là một giai đoạn cá biệt vì những chọn lựa lúc bấy giờ đã ảnh hưởng quyết định đến tình hình chung của giáo dục đại học tại Việt Nam sau này. Tôi nghĩ cần có một nghiên cứu thống kê đầy đủ mới xác định rõ nguyên do và hậu quả.  Cảm giác của riêng tôi qua những tiếp xúc, những thông tin mà tôi lĩnh hội được đã không làm cho tôi phấn khởi. Xin ghi lại sau đây cho bạn đọc tham khảo.
Các trường đại học, các cơ sở chính quyền, vốn bị chỉ trích là có quá nhiều cán bộ không có trình độ, đã tìm cách cải tiến. Và thay vì xây dựng một kế hoạch dài hạn bài bản lấy thực học làm nền tảng, bộ đã để cho xuất hiện những lớp đào tạo cao học một cách khá vội vã,  không có thành phần giáo sư đẳng cấp quốc tế, không có giáo trình tương ứng. Một phong trào chạy theo bằng thạc sỹ, chạy theo thành tích không đến hẹn mà lại lên.  Tôi còn nhớ có lần ra Hà Nội đi ăn chiều với một cán bộ cao cấp tại Bộ GD&ĐT.  Khi thấy tôi gọi tí rượu vang ông ta đồng ý ngay rồi nói thêm:
“Hay đấy, hôm nay tôi cần uống tí rượu để giải sầu…”.
Thấy tôi trố mắt, lộ vẻ ngạc nhiên ông ta thố lộ:
“Buồn quá. Hôm nay tôi phải làm hồ sơ để cấp 31 cái bằng thạc sỹ mà các đối tượng chẳng qua lớp đào tạo nào cả. Một quyết định từ trên cao…”. Bắt đầu từ đó tôi mới hiểu tại sao số người tự giới thiệu là thạc sỹ đông đảo nhanh như vậy!
Còn các sinh viên Việt Nam đã từng theo học các chương trình EMMC hay MCMC  thì họ bảo với tôi:
“Chúng em chọn lớp thạc sỹ của thầy vì các lớp do phía Việt Nam tổ chức quá chán. Giáo trình y chan như chương trình kỹ sư đã học, chẳng có gì mới mà phải nhai đi nhai lại. Cuối năm ai cũng đậu cả, luận văn thì cứ thế mà xào nấu lại thôi…”.
Đào tạo cán bộ giảng dạy đại học, các ứng viên cấp bậc tiến sỹ, các giáo sư đại học tương lai mà không có khâu chuẩn bị người thầy đủ trình độ, đủ hiểu biết khoa học hiện đại, có tầm cỡ quốc tế là một điều khó chấp nhận.  Rồi năm năm sau lại thú nhận là chất lượng giảng dạy tại các ĐH không có cải tiến, không đạt chuẩn quốc tế. Rồi những tiến sỹ được đào tạo tại Âu-Mỹ-Úc…, khi về nước thì chỉ được xử dụng nhỏ giọt. Chỗ đứng quan trọng đã có người chiếm lĩnh mất rồi! Đây chính là tình trạng bất cập mà các nhà mô phạm tâm huyết, các trí thức chân chính thường phản ảnh với báo chí.

Thực trạng của một giai đoạn đặc biệt
Trước năm 1995, trong giai đoạn soạn thảo dự án EMMC tôi đã chưa thấy hết những sự việc này. Bỡi vậy, tôi đã không lường trước được những khó khăn của cỗ xe con EMMC với tham vọng tổ chức đào tạo tại chỗ thông qua một chương trình cao học đầy đủ, trọn vẹn và sau cùng, được chứng thực bỡi một văn bằng quốc tế. Cũng may, nếu biết trước tôi sẽ rất e dè ngại ngùng. Làm sao giữ được các tiêu chuẩn tuyển sinh, thi cử, giảng dạy, thực tập bảo đảm giá trị của chiếc bằng do đại học Bỉ cấp? Làm sao duy trì và phát triển trong một môi trường đang chìm trong cơn lốc của xu hướng, phong trào chạy theo bằng cấp, chạy theo thành tích, chạy theo sự dễ dãi của những giá trị ảo?
Phải nói là khi ý thức được thực trạng, tôi đã không thể có chọn lựa nào khác. Đã lên lưng cọp là phải phóng thôi.  Tôi đã được đại học Liège cho phép và đã công bố ngay từ đầu là sẽ cấp bằng của Đại học Liège cho các học viên tốt nghiệp. Tuy không nhắc đến trong văn bản, nhưng hai bên đã coi như đương nhiên sẽ không có những giáo trình chính trị. Ngoài ra, toàn bộ các hướng giải quyết liên quan đến bằng cấp, từ giáo trình, nội dung bài giảng, từ cách thức thi cử, chấm điểm sắp hạng, phân phối hệ số điểm giữa lý thuyết và thực hành, giữa các bài giảng và luận văn ra trường, cho đến các tiêu chuẩn giá trị khi chấm luận văn…, chúng tôi sẽ phải qui chiếu về những gì đang thực thi tại Bỉ. Xin đơn cử vài ví dụ chi tiết ở đây. Thí sinh phải đạt 60% điểm tối đa mới được chấm đỗ. Nếu có môn bị điểm liệt 7/20 thì ngay cả điểm trung bình tổng số các môn học cao hơn 12/20 cũng sẽ không được xem xét. Luận văn ra trường sẽ là quyết định và sẽ chiếm 20% trong tổng số điểm của hai năm. Vì nội dung chính của chương trình giảng dạy là tính toán, mô hình, mô phỏng dùng máy tính, phần lớn luận văn đòi hỏi khả năng lập trình, ứng dụng lý thuyết qua phương tiện toán số. Luận văn nào mà lập trình không có kết quả, hay có kết quả mà chưa thẩm định, so sánh (với kết quả thí nghiệm đo đạt, với kết quả giải tích, với các tác giả khác trên trường quốc tế…) là không được cho phép bảo vệ trước hội đồng chấm thi.
Làm sao duy trì các thang giá trị?
Tôi yêu cầu ban trợ giảng giúp tôi duy trì các thang giá trị như vậy trong suốt 12 năm, trong Nam cũng như ngoài Bắc, những đòi hỏi khá gay gắt so với các chương trình thạc sỹ  tại Việt Nam, những đòi hỏi cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo. Những tưởng học viên sẽ bỏ học vì những đòi hỏi quá cao ấy. Nhưng không, họ đã tiếp tục theo học và không năm nào chúng tôi thiếu thí sinh ghi tên tuyển sinh. Thế mới biết trong giáo dục đào tạo đại học tại Việt Nam, chất luợng sẽ bảo đảm cho thành công, bền vững. Tuổi trẻ Việt Nam nhất là những em có năng khiếu không ngại học khó. Môi trường Việt Nam có chất liệu ban đầu rất tốt, rất quí hiếm cho việc xây dựng một nền đại học đẳng cấp vậy. Nhưng không may, tình trạng đứt đoạn đã xảy ra trong một giai đoạn lịch sử mà các giá trị tri thức của nhân loại bị khoả lấp, của truyền thống bị bứng gốc. Mọi việc đã đi chệch hường từ mấy thập kỷ rồi!
Chúng tôi đã phải bảo vệ chất lượng trong một môi trường đầy bất trắc. Thí dụ như việc chuẩn bị luận văn thạc sỹ. Trung bình tại Sài Gòn số sinh viên được thâu nhận là 30 người, tại Hà Nội là 20 người. Trong số 30 học viên theo học năm đầu tại Miền Nam có chừng 15 em là đủ điều kiện bước lên năm thứ hai. Giáo sư Bỉ chỉ có 8 người, mỗi người qua yêu cầu của tôi, chịu gánh hướng dẫn một người. Như vậy còn đến 7 em không có người hướng dẫn. Bản thân tôi thường cố gắng gánh thêm 3 người nữa như vậy 4 người còn lại phải nhờ đến các giáo sư Việt Nam, có hoặc không tham gia giảng dạy chương trình. Như vậy, việc chia sẻ phong cách xử lý, văn hoá thẫm định luận văn với các đồng nghiệp Việt Nam là không thể tránh khỏi.  Nhưng tôi để ý thấy không biết phát xuất từ đâu, cách xử lý chấm điểm luận văn của các đồng nghiệp Việt Nam rất ư là hình thức. Khi được mời tham gia hội đồng thẩm định, họ chuẩn bị một bài phản biện đôi lúc khá dài nhưng rất chung chung, rất ít khi có ý kiến cụ thể chi tiết. Số đông họ theo hướng khen chung chung như luận văn tốt, đặt vấn đề khá mới mẻ, kết quả rất xuất sắc, vân vân… Còn chê thì rất ít khi, cùng lắm thì nói tiếng Anh viết chưa tốt, hoạ đồ chưa rõ…, thế thôi.  Rồi họ đọc lên bài thẫm định có khi dài lê thê, chẳng giúp chúng tôi (Chủ nhiệm Hội đồng) xác định cho rõ chỗ nào hay, chỗ nào dỡ, chỗ nào thiếu sót! Rất nhiều lần tôi phải can thiệp vì ngày giờ có hạn và còn đông sinh viên phải bảo vệ đang chờ:
“Xin anh vào ngay cụ thể, chất vấn cụ thể để thí sinh trả lời câu hỏi cụ thể cho Hội đồng đánh giá cụ thể. Không cần phải đọc bài phản biện vì Hội đồng đã đọc rồi, đọc trước khi vào phòng họp”.
Ý thức được những khó khăn này, tôi yêu cầu học viên phải nộp luận văn ít nhất một tháng trước ngày bảo vệ. Tôi yêu cầu ban trợ giảng bỏ thì giờ ra đọc cho thật kỹ các luận văn, nhất là những luận văn do phía Việt Nam hướng dẫn. Các trợ giảng (trình độ thạc sỹ hay tiến sỹ quốc tế) phải chuẩn bị cho tôi một báo cáo chi tiết đầy đủ về nội dung luận văn và sau đó sẽ được tôi mời tham gia Hội đồng chấm luận văn. Tôi cũng yêu cầu các giáo sư Châu Âu gởi về hồ sơ phản biện trước, ít nhất một tuần để chúng tôi có được ý hướng ban đầu truớc khi thí sinh bảo vệ. Vì lý do chi phí đi lại, ít khi các giáo sư quốc tế về được Sài Gòn hay Hà Nội để tham gia ngày bảo vệ.  Phần lớn họ thẫm định qua mạng. Tôi yêu cầu các trợ giảng áp dụng một cách không thoả hiệp các thang giá trị đã được phổ biến, đặc biệt phải kiểm tra tính chính xác của việc lập trình, sức thuyết phục của kết quả tính toán. Tôi lưu ý họ kiểm định chính xác để loại bỏ những tiêu cực thường thấy: mập mờ, giả hiệu, quay cóp, sao chép… Việc kiểm tra này phải chuyên nghiệp bài bản. Nếu có sao chép phải truy lùng nhanh chóng cho được bản gốc để có bằng chứng không thể chối cải. Nếu truy lùng không được thì liên lạc với các nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp và đang chuẩn bị luận án tiến sỹ tại các nước tiến tiến, trong những đại học đằng cấp (Âu Châu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật…) nhờ họ tiếp tay truy tìm.
Sự cố có ý nghĩa điển hình
Nói chung tại Sài Gòn không có sự cố đáng tiếc, trừ đợt cuối cùng mà tôi sẽ kể sau.
Thông thường nếu có vấn đề, tôi trực tiếp liên lạc với giáo sư hướng dẫn, thông báo cho họ sự kiện và tìm thoả thuận với họ để cho thí sinh kịp sữa chữa hay hoản lại cho bảo vệ lần sau. Trên nguyên tắc thí sinh có quyền thi lại đến bốn lần. Tuy nhiên tại Hà Nội có hai trường hợp A và B làm tôi phải bối rối, khó xử. Năm đó nếu tôi không lầm là niên khoá 2001-2002, có hai thí sinh nộp luận văn kịp thời nhưng bị các trợ giảng của tôi phát giác có tiêu cực. Về đến Hà Nội là các em này ra đón tôi tại sân bay, cho tôi biết ngay sự việc. Đây là những trợ giảng khá dày dặn, có kinh nghiệm mà tôi đã biệt phái từ Sài Gòn ra Hà Nội giúp tôi ổn định tình hình! Bệnh “ta thế đó” ở Hà Nội trầm trọng hơn Sài Gòn rất nhiều !
Chỉ còn một ngày nữa là các thí sinh phải lên bục bảo vệ. Tôi điện thoại ngay cho các giáo sư hướng dẫn luận văn hai em này. Tôi bảo luận văn có vấn đề trầm trọng. Một luận văn chép nguyên văn của người khác trên mạng. Một em khác lập trình vớ vẫn rồi ngụy tạo kết quả đưa vào luận văn khoe là lập trình thành công và phương pháp tuyệt vời. Các trợ giảng của tôi đã gọi em này lên văn phòng cho chạy thử để tìm lại kết quả. Và họ đã phát hiện sự gian trá. Tôi yêu cầu hai đồng nghiệp Việt Nam liên lạc trực tiếp với các cá nhân này, yêu cầu họ hoản lại ngày bảo vệ. Tôi sẽ bố trí cho họ bảo vệ lần sau, sau khi đã cùng với các thầy hướng dẫn giải quyết với họ cách xử lý cho tương lai.
Tôi không hiểu vì lý do gì hai đồng nghiệp này cứ nằng nặc đòi Chủ nhiệm Hội đồng cứ cho họ bảo vệ. Họ không tin vào những gì mà tôi vừa mách bảo. Tôi ôn tồn kiên nhẫn giải thích, hẹn gặp trực tiếp họ nhưng không thuyết phục được họ. Thế là tôi đành phải sắp đặt thời khoá biểu tạo điều kiện để các học viên làm luận văn dưới sự hướng dẫn của họ bảo vệ.


Buổi bảo vệ luận văn của khoá cuối cùng MCMC VII tại ĐHBK Hà Nội

img_36342
Tại Sài Gòn cũng như Hà Nội, tôi luôn luôn tổ chức những buổi bảo vệ luận văn một cách công khai.  Chẳng những những học viên mới và cũ của các lớp EMMC&MCMC mà các kỷ sư đang công tác tại xí nghiệp cơ quan có liên quan đến đề tài, các phụ huynh, bè bạn xa gần, các sinh viên trẻ hiếu kỳ đều được tham dự thoải mái. Tôi còn cho phép họ trực tiếp chất vấn thí sinh nếu họ có câu hỏi. Hôm ấy phòng bảo vệ chật nức người xem vì có nhiều luận văn phải trình. Hội đồng các giáo sư ngồi san sát nhau trên hai hàng nghế đầu. Tôi bảo ban trợ giáo chuẩn bị cho tôi hồ sơ đầy đủ, đặc biệt máy chiếu, máy tính có chứa những chương trình tính toán của các thí sinh để khi cần, họ phải cho chạy trước cử toạ.  Tôi có báo cáo thẩm định của các thành viên tham gia Hội đồng, ít nhất là bốn người cho mỗi luận văn, các tài liệu liên quan, các hồ sơ tương ứng.
Trước giờ giải lao là đến phiên hai thí sinh có vấn đề. Tôi gọi tên mời lên đứng trước cử toại. Tôi đưa mắt nhìn hai đồng nghiệp chủ đề tài ngụ ý ướm hỏi họ có còn giữ ý định để cho các học trò của mình bảo vệ ngay bây giờ không. Họ gật đầu xác định lập trường.
Tôi xin phép mọi người năm phút để tôi nhắc lại những tiêu chí thông thường cần thiết cho nội dung một bài luận văn thạc sỹ, những đức tính tối thiểu của một nghiên cứu sinh, một nhà khoa học tương lai: chính xác, nghiêm túc và trung thực. Xong nhìn sang thí sinh A có bài luận văn quay cóp trên mạng tôi nói từ tốn nhưng với giọng long trọng hơn thường lệ. Tôi rất ý thức đang phải chiến đấu để bảo vệ tính nghiêm túc và chân thực của chương trình Cao học quốc tế mà tôi đang điều hành:
“Văn phòng MCMC đã đọc kỷ luận văn của em. Bài luận văn có trình độ học thuật rất hiện đại, mới mẻ. Tiếng Anh em viết rất chuẩn, như một người Anh viết tiếng mẹ đẻ. Chính vì những lý do này mà văn phòng đã đặt nghi vấn vì chúng tôi biết trình độ bình thường của em. Chính tôi đã từng phỏng vấn em về ngoại ngữ. Văn phòng đã nhờ người điều tra và đã phát hiện trên mạng một luận văn thạc sỹ của một tác giả người Mỹ mà chúng tôi cho in ra một bản trong chồng hồ sơ ở đây”.
Tôi đưa bản luận văn này có đề tựa, có tên tác giả, có ngày trình, có danh sách các giáo sư thẫm định cho Hội đồng chuyền tay xem rồi nói tiếp:
“Tôi yêu cầu toàn thể hội đồng so sánh luận văn của em có trong tay và luận văn trên mạng vừa in xuống. Hai phiên bản giống nhau từng trang, từng hình vẽ, từng hoạ đồ. Chỉ khác tên tác giả, ngày trình, nơi trình và tên người hướng dẫn. Đây là một hành động đạo văn, một hành động gian dối không thể chấp nhận được. Tôi yêu cầu chính em phải chọn lựa một trong hai cách ứng xử:
1. Hoặc em ngưng lại, nhìn nhận hành động sai trái, không trình luận văn hôm nay. Tôi sẽ yêu cầu hội đồng khoan hồng cho phép em làm lại luận văn, có thể rất ngắn hơn, có thể có ít kết quả hơn, tiếng Anh có thể không chuẩn bằng, nhưng sẽ phải do chính em thực hiện. Tôi sẽ lên kế hoạch cho em trình lại hoặc trong tháng 9 sắp đến hoặc tháng 7 sang năm.
2. Hoặc em vẫn duy trì ý định bảo vệ một luận văn. Trong trường hợp này, tôi sẽ yêu cầu Hội đồng ký vào biên bản mà văn phòng chúng tôi mới vừa soạn thảo. Nội dung chính là xác nhận sự gian dối của thí sinh, có minh chứng sáng tỏ. Tôi sẽ gởi văn bản này lên ban Giám hiệu trường ĐHBK Hà Nội và bộ GS&ĐT đề nghị em không được tiếp tục theo học chương trình MCMC và không được ghi tên theo học những lớp thạc sỹ khác tại Việt Nam. Một trường đại học lớn và có uy tín không thể chấp nhận hành động gian dối trong thi cử được.
Sau đó tôi cũng nói với thí sinh B những lời tương tự, có chút nhẹ nhàng hơn. Tôi bảo nội dung luận văn của em không trung thực. Chương trình tính toán không hề chạy, kết quả là hoàn toàn bịa đặt, hoạ đồ chỉ là ngụy tạo. Tôi yêu cầu em này đính chính lời tôi nói bằng cách cho chạy chương trình qua máy tính bố trí ngay trước mặt mọi người. Nếu em không đính chính được thì em cũng phải chọn một trong hai cách hành xử đã nói ở trên. Tôi nói thêm cho em này là nếu em không bảo vệ hôm nay tôi sẽ làm việc với giáo sư hướng dẫn của em để có đòi hỏi ít hơn. Em chỉ cần làm một phần tư cái em gọi là đã làm, nhưng nếu em thực hiện trung thực, ngay cả chương trình chỉ chạy trên các ví dụ hạn hẹp thôi, tôi cũng sẽ cho là tạm đủ và sẽ đề nghị chấp nhận luận văn ra trường của em…
Tôi yêu cầu hai em suy nghĩ trước khi cho Hội đồng biết quyết định. Rồi tôi tuyên bố nghỉ giải lao 15 phút.
Sau giờ giải lao, Hội đồng làm việc trở lại. Em B xin lên phát biểu trước. Em xin phép Hội đổng cho tạm ngưng bảo vệ và em xin lỗi Hội đồng và hứa sẽ cố gắng nhanh chóng hoàn thành theo hướng tôi đề nghị để trình lần sau. Em A cũng rón rén lên phát biểu tương tự, em xin tạm rút nhưng không dám hứa gì cả.
Ở đâu cũng có niềm vui
Thế là xong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Các đồng nghiệp đã chủ trương cho trình luận văn không thể trách cứ gì được tôi. Các em tự chọn lựa hướng rút lui, chứ tôi nào có áp đặt.
Tối hôm ấy về đến khách sạn là một số đồng nghiệp khác trong Hội đồng điện thoại cho tôi. Họ rũ tôi đi uống bia xả hơi thư giản sau một ngày chủ trì Hội đồng khá nặng nề mệt nhọc. Tôi cũng có rất nhiều đồng nghiệp thân thích tại Hà Nội. Họ là những giáo sư các trường ĐH Xây dựng, Thủy lợi, Giao thông Vận tải…, họ là những người tử tế.  Họ bảo với tôi, họ rất hảnh diện được tham gia chương trình MCMC, họ chưa bao giờ tham dự một Hội đồng bảo vệ luận văn mà Chủ nhiệm có quyết đoán mạnh mẽ hợp lòng dân như vậy.
Điều tôi vui nhất là thí sinh B đã làm lại luận văn với nội dung chấp nhận được và đã lên bục bảo vệ hai tháng sau. Trước khi dứt lời em cám ơn Hội đồng và giáo sư chủ nhiệm. Em nói em đã học rất nhiều ở MCMC, không những lý thuyết, thực hành với nội dung hiện đại, mới lạ, hấp dẫn mà còn học được cách ứng xử của một nghiên cứu sinh, nhân cách cần thiết cho việc chuẩn bị để thành nhà khoa học tương lai. Đó là một trong những giây phút hạnh phúc nhất của tôi trong 12 năm xây dựng và điều hành các chương trình hợp tác đào tạo các lớp thạc sỹ tại Sài Gòn và Hà Nội.
Liège ngày 4/5/2011
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét