Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Đời người dưới chế độ Khơ Me Đỏ - Phần 2

5. NHỮNG ĐỨATRẺ SƠ SANH
Trước khi bước chân vào đến ngôi nhà bảo sanh đã xây cất từ năm 1907, chúng tôi lại gặp 2 tên Khờ-Me đỏ khác.
- “Nếu mấy người muốn vô nhận con nuôi mới sanh thì cứ vô, nhưng không được ở lại luôn trong đó đấy nhé!”. Một tên nói với chúng tôi, đồng thời trao đổi cái nheo mắt rất quỷ quái với đồng bọn. Khi chúng tôi bước vào trong sân thì một cảnh tượng vô cùng rùng rợn đã bày ra trước mặt, khiến Lan-Thi phải kêu rú lên và lấy tay bưng kín mặt. Em tôi đã kinh hoàng đến cùng cực khi nhìn thấy trên mặt cỏ đầy rẫy những tử thi đẫm máu nằm lẫn lộn với những xác trẻ sơ sinh còn quấn trong những cái tả đỏ đẫm máu. Xác sản phụ, xác hài nhi nằm lẫn lộn bên những tấm tã lót, những mảnh vải băng vương vãi khắp đó đây. Nhiều thiếu phụ lõa lồ, thân thể đẫm máu, nằm thoi thóp bất động, giương đôi mắt lờ đờ yếu đuối nhìn chúng tôi như van xin cầu cứu, trong khi đôi môi khẽ rung động như thều thào muốn nhắn gửi lời gì. Dưới gốc cây hoa nhài, một sản phụ nằm chết, đôi mắt mở trừng trừng biểu lộ một tâm trạng kinh hoàng đến cực độ và trên tay hãy còn ẵm chặt 1 hài nhi vừa mới sanh, đỏ hỏn.
Tiếng hét thất thanh của Lan-Thi đã vang động từ ngoài sân vào đến tận bên trong bảo-sanh-viện, nơi có khoảng ngót chục tên Khờ-Me đỏ đang cùng nhau đùa rỡn. Bọn chúng cũng đưa mắt nhìn về phía chúng tôi. Tôi phải nắm lấy vai em tôi và luôn mồm lập đi lập lại câu:
- “Im đi em. Thôi, im đi em. Hãy bình tĩnh và can đảm lên em”.
Tất cả bọn Khờ-Me đỏ đều nhìn chúng tôi trừng trừng, không chớp mắt. Một vài tên bước đến gần chúng tôi, lớn tiếng la rầy:
- “Cái gì vậy? Mấy người không được hét lên như thế. Biết không!”
- “Dạ, xin lỗi quý đồng chí! Anh em tôi vô kiếm chị tôi và đứa cháu mới sanh”. Tôi đáp giọng van lơn.
- “Nhà bảo sanh đã được lịnh di tản từ nửa giờ trước đây. Bây giờ trong này không còn ai hết!”. Một tên Khờ-Me đỏ nói.

- “Không! Hãy còn bọn con nít mới đẻ!”. Một tên Khờ-Me đỏ trạc độ 12 hay 13 tuổi gì đó chen vào ngắt lời. Hắn vừa múa khẩu súng máy trên tay cùng với giải băng đạn vừa cười đùa nói tiếp: “Mấy người không tin hả? Chính tay tụi tôi đã cho chúng bú chai...ha...ha..ha.a.a a a” Hắn cười cách man rợ và đầy bí hiểm. - “Quý vị có thể vui lòng cho anh em tôi biết mấy người đàn bà ấy đã đi đâu không ạ?” Lan-Thi đã nín khóc và lên tiếng hỏi.
- “Sao tôi biết được? Tụi họ chạy tán loạn khắp mọi nơi, mọi chỗ. Tụi nó làm như thể sắp bị ăn tươi nuốt sống đến nơi. Nhiều người đã chạy bỏ cả con lại. Còn cả đống trong đó. Có đến trăm đứa chứ không ít”. Vừa nói, tên này vừa chỉ vào phía trong nhà bảo sanh.
- “Tụi nó đã chết ngoẻo hết rồi!”. Một tên khác nói chen vào, giọng có vẻ hơi bực mình.
- “À, phải rồi. Đồng chí không muốn phải dọn dẹp vệ sinh vụ đó chứ gì?”.
Một tên khác có vẻ muốn lên mặt thầy đời với đồng bọn, mặc dù hắn cũng chưa quá 14 tuổi:
- “Hèn chi đồng chí đã vứt chúng nói ra ngoài cửa sổ mà không chịu chờ đến khi chúng chết hẳn”.
- “Im đi!”. Tên Khờ-Me đỏ đã quăng con nít mới đẻ, còn sống, qua cửa sổ, nhe hàm răng vàng khè đóng đầy bựa ra giảng giải: “Đồng chí nên nhớ rằng, ở đây chỉ có mình tôi là người duy nhất đã thấu triệt đường lối và chủ trương của cách mạng”. Lời qua tiếng lại có vẻ đã gay gắt. Bỗng tên chỉ huy quát lên:
- “Im đi! Các đồng chí lại sắp gấu ó nhau về chuyện ấy phải không? Tụi con nít mới đẻ trước sau gì cũng sẽ chết. Chẳng có gì phải bận tâm. Chúng làm sao tự di tản được? Chúng chịu đựng sao nổi nắng nóng, trời mưa và sương lạnh ban đêm?” Giọng của hắn nghe thật là tàn nhẫn, vô nhân đạo!


6. GIA ĐÌNH LY TÁN
Chúng tôi đã trải qua 1 kinh nghiệm mắt thấy tai nghe đến hãi hùng khủng khiếp. Chúng tôi cũng không còn nước mắt để khóc nữa! Bây giờ chúng tôi đờ đẫn bước trở ra như 2 người máy vô tri giác. Trước mắt chúng tôi, quang cảnh trên đường phố đã trở nên hỗn loạn không thể nào tả xiết. Giòng người lũ lượt kéo nhau đi như thác nước đang chảy siết. Tiếng người thất lạc thân nhân, kêu gọi nhau ơi ới. Tiếng trẻ con kêu khóc, gọi cha mẹ nghe nhức nhối tận tâm can: “Má ơi! Má ơi! Chúng con đây. Má đâu rồi? Má ơi!”
Hai bên đường, cách khoảng nhau chừng trăm thước, lại có những tên Khờ-Me đỏ võ trang đầy mình đứng gác, trai gái lẫn lộn. Có đứa luôn mồm gào to vào máy phóng thanh cầm tay, hối thúc: “Đi mau lên! Đi nhau lên! Không ai được đứng lại! Kẻ nào ngoan cố, không tuân lệnh sẽ bị xử tử ngay tại chổ!”
Chúng tôi nhận thấy không còn xử dụng xe hơi được nữa. Vả lại cũng không có gì nặng để chuyên chở, chúng tôi thấy đi bộ là thượng sách. Đi bộ chúng tôi có thể băng đường về nhà mau hơn là đi xe.
Đến khoảng 6 giờ chiều, anh em tôi về đến nhà. Ngay khi chúng tôi sắp đẩy cửa bước vào nhà, bỗng một tên Khờ-Me đỏ xuất hiện, quát to:
- “Ê, mấy người kia! Phải di tản ngay lập tức!” Anh em tôi bước đến phía hắn, cố van nài:
- “Dạ, xin đồng chí cho phép anh em tôi vô nhà để gặp má tôi, rồi anh em tôi sẽ đi ngay”.
- “Không còn ai trong nhà này hết! Khu phố này đã di tản hết rồi!”. Tên Khờ-Me đỏ đáp.
- “Xin đồng chí làm ơn cho anh em tôi được vô lấy đem theo ít đồ ăn. Chúng tôi không có chút lương thực nào...” Lan-Thi khẩn khoản van nài.
Ngập ngừng giây lát, nhưng cuối cùng hắn nói:
- “Được rồi! Nhưng phải mau lên. Cho mấy người 10 phút!”
Bước vào nhà, chúng tôi thấy trống trơn. Các cánh cửa sổ đều mở toang. Trên bàn ăn, cơm và thức ăn còn nguyên vẹn và chưa nguội hẳn. Lan-Thi lại òa lên khóc nữa.
- “Em coi nè! Bọn chúng đã không cho má và dì Minh có đủ thì giờ để ăn miếng cơm dằn bụng trước khi đi!... Đâu em chạy u lên phòng má coi, xem má có nhớ đem theo thuốc uống hàng ngày không. Mình phải lẹ lên, may ra còn đuổi theo kịp má và dì Minh. Chắc má đi chưa lâu đâu”. Tôi nói. Lan-Thi hấp tấp chạy lên lầu, lát sau trở xuống nói:
- “Có. Má đã đem theo thuốc uống. Nhưng Boong Chấn ơi, - (tiếng Căm-Bu-Chia, BOONG có nghĩa là: anh. Còn Chấn là tên kêu nựng của tôi trong gia đình) - thuốc của má còn xài được bao lâu? Lan-Thi lo âu hỏi.
- “Chừng khoảng 2 hay 3 tuần gì đó” Tôi đáp không mấy quả quyết.
Từ lâu má tôi đã bị chứng đái đường rất nặng, phải thường xuyên điều trị và uống thuốc mỗi ngày. Nếu chẳng may không có thuốc, chắc má tôi sẽ không thể nào cầm cự nổi.
7. LƯU ĐÀY TẬP THỂ & ĐÔI GIÀY GIẾT NGƯỜI
Anh em tôi mỗi người đem theo ít lương thực gồm có: gạo, cá khô, muối và một cái nồi nhỏ để nấu cơm, cùng vài bộ quần áo để thay đổi hàng ngày. Sau khi đã đóng kín các cửa sổ, và khóa kỹ cửa trước, anh em tôi rời khỏi nhà, bước xuống đại lộ Monivong, nhập bọn với đoàn người đang lũ lượt di tản. Làn sóng người nối đuôi nhau đi về hướng bắc, như một đàn cừu ngoan ngoãn trước sự săn đuổi tàn bạo của đàn chó săn vô tri giác. Chúng tôi di chuyển chậm chạp, nhưng không ai được phép dừng chân dọc đường, hay tách ra khỏi đoàn, với bất kỳ lý do nào. Quân Khờ-Me đỏ bố trí rải rác dọc 2 bên đường, canh chừng chúng tôi chẳng khác những con chó săn cừu. Thỉnh thoảng có những người thất lạc thân nhân, lăng xăng kêu gọi, tìm kiếm quanh quất, bọn Khờ-Me đỏ không nói nửa lời, thản nhiên bóp cò bắn chết ngay tại chỗ. Bây giờ trời vẫn chưa tối hẳn. Tôi thấy nổi lo âu, sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt mọi người.
Bị cưỡng bách di tản quá gấp rút, nhiều gia đình đã thất lạc nhau hoàn toàn, và cũng chẳng thấy ai kịp đem theo lương thực và nước uống phòng thân. Đoàn người lặng lẽ, nặng nề tiến bước, không ai dám thốt ra một lời nào, dù chỉ là để than thở cho vơi bớt nỗi lo âu. Chỉ một câu nói nhỏ cũng đủ mất một mạng người! Đã có nhiều người bị bắn chết ngay tại chỗ, trước mặt đám đông, vì những nguyên nhân nào không ai hiểu được. Ngay cả đến thân nhân những người bị hành quyết còn đang hấp hối, hay ngắc ngoải trên mặt đường, cũng không dám dừng chân lại để giúp đỡ nhau.
Khi chúng tôi đã nhập vào đoàn người di tản được khoảng 15 phút bỗng làn sóng người sau lưng tôi bị chận khựng lại. Hai tên Khờ-Me đỏ, một trai một gái, khoảng mười mấy tuổi đầu, xông vào giữa đoàn người lôi một người đàn ông lên lề đường, tra vấn:
- “Mày là lính cộng hòa, phải không?”
- “Dạ, không phải!” Người đàn ông đáp: “Tôi không phải là lính. Tôi làm thợ máy!”
- “Tại sao mày lại mang giày lính?”
- “Dạ, tôi mua đôi giày này ở khu chợ trời Olympic. Có nhiều thường dân mang giày này, thưa đồng chí”.
Một tên Khờ-Me đỏ khác, đôi mắt đỏ ngầu sát khí, cắt ngang cuộc đối thoại:
- “Mấy đồng chí còn phí thì giờ với tên tay sai đế quốc này làm gì nữa!”
Vừa dứt câu, hắn đã chìa súng bắn ngay vào ngực nạn nhân một phát. Người đàn ông chỉ kịp thét lên một tiếng rú đau đớn như một con heo bị chọc tiết, rồi ngã vật xuống đất.
Đoàn người lại tiếp tục đi tới, im lặng như thế tai không nghe và mắt không thấy chuyện gì vừa mới xảy ra trước mặt họ. Tôi cầm tay Lan-Thi, cảm thấy tay nàng lạnh ngắt và ướt đẫm mồ hôi. Bọn Khờ-Me đỏ lại gào to hối thúc: “Đi tới! Mau lên! Đi tới! Mau lên!”... Đoàn người chuyển động nhanh hơn một chút, nhưng chỉ giây lát sau lại trở về tình trạng cũ, vì đoàn người dài vô tận, không biết đã bị tắc nghẽn ở chổ nào phía trước.
Một đứa trẻ lạc loài, quá mệt mỏi đã ngã quỵ dưới chân Lan-Thi. Bằng một hành động thật nhanh và thật kín đáo, không để bọn Khờ-Me đỏ chú ý, nàng đỡ nó đứng lên. Bây giờ không còn ai lo đến những chuyện tầm phào như thế nữa. Ai cũng cồng kềnh mệt mỏi với những gói, xách đựng đồ tế nhuyễn của mình. Nhiều phụ nữ có con nhỏ phải bồng ẵm trên tay, đành bỏ hết tất cả, chỉ cố giữ lấy con. Đoàn người di tản trong ánh mắt lo âu, như loài cầm thú đang bị săn đuổi. Có những gia đình sợ bị thất lạc đã dùng giây cột vào nhau, trông như những chuổi tù nhân bị trói đang ra pháp trường. Ai cũng đều mệt lả, nhưng vẫn phải cố lê bước đi tới, không được nghĩ chân hay ngừng lại. Bọn lính con nít Khờ-Me đỏ vênh váo, kiêu căng nhìn đoàn người di tản với cặp mắt đầy đe dọa của kẻ chiến thắng và đang cầm quyền sinh sát quần chúng trong tay. Chúng múa súng hăm he và bắn thị uy, khiến mọi người đều khiếp đảm. Có những chiếc xe hơi tư nhân chở đầy nhóc người tị nạn, ngồi lẫn lộn, chìm sâu trong những đống quần áo, vật dụng chất đến tận mui xe. Những bệnh nhân, những người bị thương và những người già yếu không bước nổi, đã được thân nhân đặt ngay trên bàn mổ, hoặc dùng ngay giường bệnh viện có bánh xe đẩy đi. Ngộ nghỉnh nhất là những chai nước biển, hay những chai thuốc truyền vào máu cho bệnh nhân hãy còn treo lủng lẳng, lắc lư trên đầu giường. Thỉnh thoảng lại có những chiếc xe hơi chết máy, nhưng vẫn được thiên hạ cố sức đẩy theo, vì trên xe đã chất đầy vật dụng. Có những chiếc xe đạp thồ, chất đồ đạc kín mít, trông chẳng còn thấy bánh xe đâu... Từ thuở bé đến giờ tôi chưa từng được thấy cảnh tượng nào kỳ quái, khủng khiếp đến như thế, dù là trong những phim tàn bạo hồi đệ nhị thế chiến, quân Đức quốc xã đã lưu đày cưỡng bách hàng triệu dân Do-Thái. Khi đi ngang qua chỗ tòa đại sứ Pháp, trước khi quẹo tay phải xuống phía bãi du ngoạn, chúng tôi nhìn thấy những người Pháp đang đứng xúm xít vào nhau chuyện trò trên bao lơn. Họ vẫy tay chào giã biệt chúng tôi, những con người đau khổ đang phải lê bước ra đi rời nơi chôn nhau cắt rún của mình.
Khi đoàn người tiến đến phía Bắc hải cảng, thình lình trời sập tối. Phóng mắt nhìn ra xa, chúng tôi thấy lửa cháy đỏ rực trời khắp bốn phương. Bọn Khờ-Me đỏ đã không để sót một cơ sở nào. Ngôi nhà thờ lớn Russey Keo đang bốc cháy ngùn ngụt, ngọn lửa lên cao thấu tận màn trời đêm đen thẫm. Bây giờ thì chúng tôi đã ngửi thấy mùi khét của tử thi đang cháy dở dang chen lẫn với mùi khét của cao su. Trên mặt đường, cách đấy chừng vài chục thước là một vũng máu lớn đông đặc, bốc mùi tanh hôi đến lợm giọng. Gần đó là một đống lớn các xác chết vương vãi không toàn thây của những binh sĩ cộng hòa vừa bị hành quyết hồi ban sáng và sau đó đã bị các loại xe vận tải, xe thiết giáp chạy về hướng thủ đô Nam-Vang cán bừa lên.

8. ÂM THANH RÙNG RỢN TRONG ĐÊM TỐI
Khoảng 9 giờ tối, đoàn người bị cưỡng bách di tản tiến đến Prek Tasek, một thị xã cách Nam-Vang 7 cây số về phía Bắc. Nơi đây, chúng tôi được bọn Khờ-Me đỏ cho phép dừng chân nghỉ đêm ngay giữa đường, trên vỉa hè, lộ thiên.
Bây giờ chúng tôi đều đã mệt lả, nhưng cũng vẫn phải cố sức nhúm lửa, nấu ăn. Trong không gian thanh vắng, giữa đêm trường đen tối, những âm thanh quái đản, kỳ dị bắt đầu theo nhau vang lên, vọng khắp đó đây, tạo thành một bản hòa âm vô cùng rùng rợn. Đó là những tiếng kêu gọi thảm thiết, đầy tuyệt vọng của những người tìm thân nhân thất lạc. Chờ một lát, thấy bọn Khờ-Me đỏ không nói gì, Lan-Thi cũng bắt chước thiên hạ, cố lấy hết hơi gào to lên:
- “Má ơi! Má ơi! Lan-Thi và Chấn đây!... Má ơi! Bây giờ má ở đâu? Má trả lời...”. Em tôi cứ lập đi lập lại mãi lời kêu gọi này đến mệt lả, và gần muốn đứt hơi, cũng chẳng nghe tiếng trả lời. Khi nàng đã kiệt sức, tôi thấy thế, tiếp tục gào to lên như muốn xé toang màn đêm đen tối đang vây phủ chung quanh. Cuối cùng chúng tôi đành chấm dứt trong tuyệt vọng và nước mắt chan hòa. Cổ chúng tôi khô rang và rát như đã bị chà bằng giấy nhám, đau đớn đến nỗi tuy bụng đói nhưng vẫn không sao nuốt nổi miếng cơm xuống. Ăn xong chúng tôi ngả lưng nằm dài trên mặt đất còn nóng hầm vì ánh nắng mặt trời đã nung nấu suốt cả ngày. Nằm ngửa mặt nhìn lên nền trời đen thẩm và nặng trĩu như báo hiệu một thời tiết bất thường sắp xảy ra trong ngày mai ...

9. TRẬN MƯA ĐẦU MÙA
Chiều ngày 20-4 bọn Khờ-Me đỏ trở lại, ra lịnh cho chúng tôi phải lập tức họp thành đoàn và tiến về phía tỉnh lỵ Prek Kdam, cách xa thủ đô Nam-Vang khoảng 30 cây số. Trong vòng vài phút đoàn người lưu đày đã chuyển bước trong khí hậu nóng hầm. Dân thị thành chưa từng trải cảnh đi bộ như thế này bao giờ. Đa số đều đi chân không, và bước chậm chạp khó khăn trên đường đầy sỏi đá nóng bỏng. Những người tật nguyền và những thương phế binh la lết tận sau cùng. Cuộc khởi hành mới diễn ra chừng 1 tiếng đồng hồ đã có người không cầm cự nổi, lăn quay ra dọc đường, chờ chết.
Thình lình, Lan-Thi trông thấy 1 đứa trẻ sơ sanh đã bị bỏ rơi trong 1 bụi cây mắc cở, dưới ánh nắng thiêu đốt. Nàng liền cúi xuống ẵm nó lên, và vừa bước được vài bước, bỗng 1 đứa con gái lính Khờ-Me đỏ chợt khám phá ra, nó liền quát to:
- “Hãy để mặc đứa nhỏ. Không có sữa, nó không thể nào sống được! Bỏ nó xuống!”
Lan-Thi sợ hãi vội đặt đứa bé xuống đất, rồi tiếp tục rảo bước. Hai giọt nước mắt long lanh đang lăn tròn trên đôi má sạm nắng của nàng. Nàng vội quay mặt đi chỗ khác để cho bọn Khờ-Me đỏ không trông thấy. Tôi biết em tôi muốn nói cho cô bé lính Khờ-Me đỏ kia biết rằng ta không nên để 1 đứa bé sơ sinh vô tội nằm chết dưới ánh mặt trời nóng bỏng như thế, nhưng em tôi đành ngậm miệng làm thinh. Vì nàng thầm biết chỉ cần một hành vi khác lạ, một lời nói phân trần cũng đủ gây nên sấm sét hãi hùng giữa nền trời đang trong sáng.
Trước mặt chúng tôi không xa, một phụ nữ đang bò lết trên mặt đất, vì đã quá đói khát lại bị thiêu đốt dưới ánh nắng của mặt trời đỏ lửa tháng tư. Bà ta cố ngóc lên, nhưng vô hiệu quả. Những thiếu phụ có con nhỏ cố tìm cách lấy quần áo lót, khăn quàng hay tàu lá chuối nhỏ để che nắng cho con. Một người đi trước mặt Lan-Thi, trên tay vẫn còn ẵm đứa con đã chết ngắc tự bao giờ. Em tôi vừa đi vừa khóc thầm hết quãng đường này đến quãng đường khác. Đến bây giờ chúng tôi đều cảm thấy nghẹt thở. Ai cũng muốn ngất xỉu bất kỳ lúc nào. Trên cánh đồng khô, từng đàn kên kên và chồn sói đang chen chúc nhau rỉa xác chết đã thối rữa nằm rải rác khắp nơi, bay mùi hôi thối nặng nề. Tôi thấy có những xác chết còn quấn khăn rằng đen, tức bọn Khờ-me đỏ, có những xác chết mặc đồ trận ngụy trang, tức lính cộng hòa. Những người này đều tin rằng họ đã chiến đấu cho sự tự do của họ, nên họ đã bắn giết nhau ngay trên mảnh đất quê hương mà giờ đây là mồ chôn xác họ. Những người này chắc mới chết chưa lâu, nhưng ánh nắng thiêu đốt đã mau chóng khiến thể xác của họ bị thối rữa. Trong đám, tôi còn thấy có một cặp binh sĩ Khờ-Me đỏ và cộng hòa nằm chết tay trong tay, như đôi bạn thân vừa gặp nhau sau 1 thời gian dài xa cách. Xa hơn chút nữa là một đống tử-thi nằm chồng chất lên nhau như một đống rạ giữa đồng, làm kho lương thực dự trử lâu dài cho đàn kên kên và bầy chồn sói đang bu quanh. Trong đám lại còn có cả những con chó hoang đến kiếm ăn. Những con chó này đã nếm mùi thịt người nên trở thành vô cùng nguy hiểm. Đôi mắt chúng dữ dằn như loài chó sói. Có con chạy đuổi theo đoàn người di tản để cắn thịt. Bọn Khờ-Me đỏ võ trang súng máy, áp tải đoàn người lưu đày nhìn đám chó hoang này với cặp mắt thờ ơ lạnh lùng.
Đến 5 giờ chiều, trước khi chúng tôi đến thị xã Prek Phnau, cách thủ đô 12 cây số, bọn Khờ-Me đỏ cho phép chúng tôi được dừng chân ngủ đêm tại đây. Một chặng đường dài 5 cây số, đối với những người trai trẻ như chúng tôi không có gì mệt nhọc lắm, nhưng đối với người già, tật bịnh và trẻ em thì lại là 1 cực hình ghê gớm, nhất là lại bị đói khát dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời. Đa số trẻ em đã không sống sót nổi qua đêm. Hơn thế, trời lại còn muốn giáng thêm 1 tai họa khủng khiếp nữa lên đầu những kẻ bị lưu đày bất đắc dĩ này. Ở Căm-Bu-Chia, cơn mưa lũ đầu mùa thường chỉ đến vào tháng 5, nhưng năm nay, 1975, bây giờ mới là giữa tháng tư trời đã đổ mưa! Đến nửa đêm, thình lình trời giáng xuống cho chúng tôi 1 trận mưa như thác lũ, cùng với sấm sét đùng đùng vang động khắp nơi. Tất cả mọi người đều ướt sũng đến tận xương tủy. Nhưng chẳng một ai dám hé răng than vãn đến nữa lời!

5 nhận xét:

  1. Từ Phần 6 nhảy lên phần 9. Phần 7 và 8 đâu rồi bác nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác đã comment, ka ka chắc lúc copy run tay nên chử nghĩa chạy lộn tùng phèo đâu rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Sao không có phần 7 và 8 vậy bác?

    Trả lờiXóa
  4. Sorry, đến tối về nhà mình xem lại nhá! Hy vọng sẽ có đủ cho bác, vì hiện giờ món này chép ở máy laptop mà nay lại quên mang theo.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bác nhiều. Vì tôi thấy tài liệu này "độc" quá, nên muốn copy in ra đọc dần.
    Vậy là bác ở Vũng tàu à? Trước đây từ năm 1994 đến 1999 tôi làm việc tại Sở TDTT tỉnh BRVT - 21 Lê Lợi. Giờ Vũng tàu trở thành kỷ niệm rồi. hihiii

    Trả lờiXóa