Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Đời người dưới chế độ Khơ Me Đỏ - Phần 1

Tác phầm này tôi không nhớ là mình đã đọc ở đâu, chỉ mang máng hình như trên quansuvn.net. Đọc xong tôi thấy nó hay quá, nó cay đắng và khốn nạn cho kiếp làm người dưới chế độ con đẻ của thằng Tung của tham lam xấu nết, tôi đã copy lại và nay biên tập thành từng phần gửi đến những ai chưa đọc. Tựa đề "Đời người dưới chế độ Khơ me Đỏ" là do tôi đặt...bởi khi đọc xong tôi không nghỉ rằng những nạn nhân của chế độ độc tài cuồng trị ấy lại là người và có lẽ những tên Khơ Me Đỏ cũng không nghỉ rằng nhân dân là con người.
Xin mời xem phần 1:

Đây là tự truyện của một thành niên trí thức Campuchia, anh Boun Sokha, ra đời trong nghịch cảnh và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Thanh niên này cũng như tất cả mọi người dân Campuchia đều khao khát hòa bình và mong được sống yên ổn trên mảnh đất quê hương.
Ngày 17-4-75, khi Khờ-Me đỏ kéo vào thủ đô Nam Vang, ai cũng hân hoan vui mừng đón rước, lầm tưởng hòa bình đã đến và cảnh chém giết lẫn nhau không còn xảy ra nữa. Nhưng không ngờ, chính ngày đó lại là ngày mở đầu cho một chuỗi dài thảm họa đẫm máu, man rợ khủng khiếp đến nỗi gây chấn động dư luận khắp nơi trên thế giới. Ai nghe đến cũng phải rùng mình kinh hãi. Tác-giả đã sống nhiều năm trong cảnh địa ngục trần gian hãn hữu ấy. Trải qua bao nỗi kinh hoàng, ghê rợn, cuối cùng đã may mắn trốn thoát sang được Thái Lan cùng với người yêu, viết tác phẩm này như 1 thông điệp gửi đến nhân dân thế giới tự-do, rồi sau đó lại quay trở về Căm-Bu-Chia một mình, tranh đấu cho lý-tưởng tự do, công bằng và bác ái.
Hiện tác phẩm đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, phổ biến khắp nơi trên thế giới. Ấn bản Pháp-ngữ nhan đề: “LA MASSUE DE L'ANGKAR”, ấn bản Đan-ngữ nhan đề: “FOLKEMORDET I CAMBODJA”... Từ đó đến nay tác giả vẫn biệt tăm. Các cơ quan quốc tế nhân quyền đã tận lực tìm kiếm nhưng vô hiệu quả. Tác giả còn sống hay đã chết?



1. “CHIẾN TRANH ĐÃ CHẤM DỨT, HOAN HÔ HÒA BÌNH!”
Sáng ngày 17-4-75.
Từ sau ngày 1-1-75, nhằm thực hiện chương trình tấn công kết thúc, bọn Khờ-Me đỏ thường pháo kích liên tục và bừa bãi hàng loạt hỏa tiễn 107 ly vào thủ đô Nam Vang, khiến thường dân vô tội nhiều người đã bị chết oan.
Sáng nay cũng như mọi buổi sáng khác, tôi thức dậy thật sớm để quan sát tình thế đang thay đổi nhanh chóng mỗi ngày. Hàng đêm, khi đi ngủ, người ta không thể đoán được những gì sẽ xảy ra sáng hôm không thể đoán được những gì sẽ xảy ra sáng hôm sau. Nhà tôi lại nằm gần khu chợ, trong vùng tây nam thành phố, là nơi đã bị pháo kích triền miên.
Hôm nay là ngày 17 tháng 4, khi thức giấc, tôi có cảm giác vô cùng sung sướng vì thấy mình đã may mắn hãy còn sống sót. Những tiếng súng lớn và những tiếng hỏa tiển nổ long trời lở đất dường như đã hoàn toàn im lặng. Bên tai tôi chỉ còn nghe những tràng tiểu liên thỉnh thoảng vang lên, khi gần khi xa, ròn tan như những tiếng pháo mừng xuân. Những âm thanh sắt thép kỳ lạ này đã nhịp nhàng hòa điệu với tiếng đồng hồ quả lắc treo tường trong phòng tôi đang chậm rãi, đều đặn khua 5 tiếng rền rĩ. Những âm thanh mới lạ này đã tạo cho tôi 1 khoái cảm bất thường, nên tôi vẫn còn nằm nướng, lóng tai nghe những “tiếng pháo” chết người, khi thì lẻ tẻ, rời rạc, khô khan, khi thì dồn dập từng tràng ngắn ngủi, như gắt gỏng, giận hờn từ bốn phương của thủ đô vang vọng lại, lúc xa lúc gần, tưởng chừng như ngay bên kia hè phố.
Khi đồng hồ điểm 7 tiếng, tôi rời khỏi giường, rón rén nhẹ nhàng để khỏi đánh thức mẹ tôi dậy, bước ra mở cửa sổ, ngó xuống đại lộ Monivong. Tôi khẽ kéo màn cửa sổ để nhìn cho rõ những gì đang xảy ra bên ngoài. Bây giờ mặt trời đã ló dạng, tỏa ánh sáng lộng lẫy tươi mát. Nền trời trong xanh, không gợn chút mây, báo hiệu một ngày nắng ấm. Tháng tư ở Cao-Miên vốn là tháng nóng nhứt!
Tôi thấy quang cảnh lưu thông trên đường phố đông đảo, nhộn nhịp khác thường. Nhưng tôi càng kinh ngạc hơn, khi thấy chen lẫn trong đám đông xe cộ đủ loại của thường dân còn có những chiến xa, những xe tăng, những cam nhông nhà binh chở đầy binh sĩ tay cầm cờ trắng phe phẩy. Xe cộ đầy đường, chạy hấp tấp vội vàng, loạn xạ, như chẳng còn có kỷ luật lưu thông gì nữa. Nhìn kỹ, tôi thấy chen lẫn trong đám đông hỗn độn ấy còn có cả những người mặc đồng phục màu đen, trên tay lăm lăm võ khí. Họ đi bộ. Nhưng cũng có những toán được chở trên cam nhông. Những người này đi đến đâu quần chúng đều hoan hô và vẫy cờ trắng như thể chào mừng tiếp đón. Những tiếng hô to đến nỗi vang tận lên lầu chỗ tôi đứng mà vẫn còn nghe rõ mồn một:
- “Chiến tranh đã chấm dứt. Hoan hô hòa bình”. Những tiếng hoan hô ấy đã biểu lộ niềm phấn khởi vui mừng đến tột độ, cùng với vẻ hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt mọi người dân.

2. ĐUỔI THEO HÒA BÌNH
Lát sau Lan-Thi cũng thức dậy, đến bên cửa sổ, đứng cạnh tôi, chăm chú nhìn quang cảnh mới lạ đang diễn tiến dưới đường. Nàng là em gái tôi, giống như đa số thiếu nữ Cao-Miên con nhà khá giả có học thức, ngoan ngoãn, dịu dàng. Riêng Lan-Thi nàng có làn da trắng trẻo và một nhan sắc mặn mà, đầy quyến rũ. Trong khi đó, thân hình tôi lại thô kệch, nước da ngăm đen và khuôn mặt khắc khổ như những người nông dân. Chúng tôi khác nhau đến nỗi mỗi khi đi ra đường chẳng mấy ai chịu tin chúng tôi là anh em ruột thịt!
Nàng nói:
- “Mình đánh thức má dậy, kể cho má nghe chuyện mới lạ này, nghe anh!”
- “Má đang tắm!” Tôi đáp.
Lan-Thi chạy đến buồng tắm, gõ cửa.
- “Má! “Nàng gọi và nói lớn": Chiến-tranh đã chấm dứt rồi! Quân Khờ-Me đỏ đã vô đây rồi... Má ra coi nè!”.
- “Thế hả? Ừ, má ra ngay bây giờ đó!” Má tôi đáp.
Người vú già của gia đình tôi, một người đàn bà khỏe mạnh, linh hoạt, trạc tuổi 55 gì đó, vừa lau chùi dọn dẹp phòng khách xong, nghe nói thế cũng vội chạy đến đứng bên cửa sổ. Bà ta nhìn chăm chú xuống quang cảnh dưới đường, vẻ mặt tràn đầy xúc động với 2 hàng nước mắt sung sướng chảy dài, lăn trên đôi gò má.
- “Coi kìa, dì Minh khóc kìa em!”. Tôi kêu Lan-Thi và chỉ cho nàng thấy.
- “Xin lỗi!...” Dì vú nghẹn ngào nói ngập ngừng, đứt quãng: “Tôi... sung sướng quá, vì...”
Nói không hết câu, dì vú đã che mặt bỏ đi. Trong khi ấy, mẹ tôi cười tươi hớn hở bước tới đứng nhìn qua cửa sổ.
- “Mấy đứa chạy mau đi báo tin cho ba và cho chị Hai biết với!” Mẹ tôi nói.
- “Ba và chị Hai chắc đã dư biết rồi!” Lan-Thi đáp.
- “Không sao. Cứ cho ba và chị Hai biết. Chắc ba và chị Hai sẽ vui mừng lắm khi thấy các con đến”. Mẹ tôi nói tiếp.
- “Nhưng con phải nghe xem radiô nói gì trước đã. “Lan-Thi nói đồng thời bước nhanh đến chỗ bàn sa-lông, bật nút máy thâu thanh nhỏ đang nằm trên đó. Nàng dò hết tần-số này đến tần-số khác, nhưng hoàn toàn không có 1 chương trình phát thanh nào. Chúng tôi nghĩ chắc đài phát thanh đã bị quân Khờ-Me đỏ chiếm rồi. Lát sau, chúng tôi ra xa. Lan-Thi cầm lái. Tôi ngồi kế bên nàng. Nhưng xe chúng tôi không thể nào lăn bánh được, vì thiên hạ đã đổ ra đường đông như kiến cỏ, chẳng khác nào một ngày đại hội liên hoan của quốc gia. Chen lẫn trong biển người dầy đặc ấy còn có đủ loại xe gắn máy, xe đạp, xe ba bánh và các loại xe vận tải khác. Người ta và xe cộ chen lẫn hổn độn, như đang bị quay cuồng trong một cơn gió lốc, không có 1 định hướng nào rõ rệt.
Lan-Thi quay sang hỏi tôi:
- “Thiên hạ đi đâu mà loạn xà ngầu vậy?”
- “Chắc họ là những nông dân đã lên đây lánh nạn chiến tranh, bây giờ thấy hết chiến tranh rồi, họ trở về quê cũ”. Tôi đáp.
- “Em hy vọng như vậy. Như thế, thủ đô sẽ không còn quá đông dân nữa”. Lan-Thi nói.
Chúng tôi lái xe nhích từng thước một, và thường phải dừng lại dọc đường. Lợi dụng những cơ hội đó, chúng tôi để ý dò xét quân Khờ-Me đỏ, bây giờ đã thấy xuất hiện nhiều trên khắp mọi ngả đường. Đây là lần đầu tiên trong đời chúng tôi trông thấy họ tận mắt. Họ mặc nhiều đồng phục khác nhau, nhưng đa số đều là những bộ bà-ba đen, quấn khăn rằng trên cổ và mang dép cao su, thường gọi là dép Hồ Chí Minh, làm bằng vỏ xe hơi cũ. Họ không mang huy hiệu để phân biệt cấp chỉ huy và binh sĩ. Chúng tôi dò xét tỉ mỉ thấy những người ra lịnh, chắc là cấp chỉ huy, ai cũng có bút cài trên miệng túi áo. Có lẽ những cây bút giắt trên túi áo trước ngực ấy là dấu hiệu ngầm về cấp bực của họ. Đúng vậy! Những người nào có nhiều bút nhất là những người cao cấp nhất trong bọn, Còn những kẻ nào không có bút giắt trên túi áo đều là những binh sĩ tầm thường, xuất thân nông dân, thất học. Đa số đều trẻ măng, khoảng từ 13 đến 14 tuổi. Những người chỉ huy thì trông già hơn nhiều và thuộc đủ mọi hạng tuổi khác nhau.
Khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi mới đến được bảo sanh viện Nam-Vang, nơi người chị cả của chúng tôi, vợ của 1 sĩ quan pháo binh trong quân đội cộng hòa, vừa hạ sanh được 1 đứa con trai vài ngày trước. Chúng tôi vừa bước vào đã thấy chị nằm khóc thảm thiết.
- “Sao chị khóc vậy? “Lan-Thi ngạc nhiên hỏi”. Bây giờ chiến tranh đã chấm dứt rồi. Chúng ta sẽ lại sống hòa bình như xưa...”
- “Em ơi, chị và cháu nhỏ sẽ không bao giờ còn được sống trong cảnh gia đình êm ấm, đầy đủ vợ chồng, cha con nữa”.
Chị tôi vừa khóc vừa mếu máo kể lể: “Nếu hòa bình đến sớm trước 2 tháng...”
Ngừng 1 lát để nuốt nước mắt, chị lại tiếp: ”... thì ảnh đâu có bị đưa ra mặt trận... Ảnh đã bị đưa đi từ tháng Hai...”
Tôi ngắt lời chị:
- “Ảnh thiệt là không may. Bọn chúng chỉ đưa những kẻ nào không tiền của đút lót ra mặt trận thôi. Còn những ai có tiền đút lót cho bọn tướng tá tham nhũng thì được làm việc trong Bộ Tham Mưu, hoặc được ở lại Thủ đô, ngồi chơi sơi nước, chẳng phải làm gì đụng đến cái móng tay!”
- “Em thấy ba đã hết lòng lo lắng cho ảnh, nhưng không có kết quả!” Lan-Thi nói thêm.
- “Cái đó hiển nhiên! Vì ba không thuộc bè nhóm của họ. Nếu không thuộc bè nhóm của họ mà chen vào can thiệp thì vấn đề lại càng trở nên rắc rối hơn nhiều”. Tôi tiếp lời.
Lan-Thi cầm tay chị và tìm lời an ủi:
- “Thôi, chị hãy tạm quên chuyện ấy đi. Em biết điều đó khó, chứ không phải dễ. Nhưng chị nên nghĩ, trước hết đến sức khỏe của chị. Bây giờ trông chị có vẻ yếu nhiều mà cháu nhỏ thì lại rất cần đến sự chăm sóc của chị...”
Chị tôi quay đầu về phía đứa bé sơ sanh, ôm sát nó vào lòng. Chúng tôi vội vã quay trở ra và hứa ngày mai sẽ trở lại thăm chị lần nữa.

3. CUỘC DI TẢN VĨ ĐẠI BẮT ĐẦU
Bảo sanh viện này nằm trong khu bệnh-viện lớn nhất tên Preah Keth Mealea, của thủ đô Nam-Vang, đã xây cất từ năm 1891, đánh dấu thời kỳ bắt dầu đô hộ của Pháp tại xứ Chùa Tháp. Ba tôi cũng nằm trong bệnh viện này từ 6 ngày rồi. Khi chúng tôi đến bên giường bệnh thì ông đang nằm ngủ im lìm. Lúc ấy, không thấy bóng dáng một vị bác sĩ hay một ý tá nào. Chúng tôi có cảm nghĩ dường như những bệnh nhân này đã bị bỏ rơi, để phó mặc cho số-mệnh. Tôi xem đồng hồ, thấy đã 11 giờ rưỡi trưa, chúng tôi bèn lái xe trở về nhà.
Bây giờ vấn để lưu thông càng khó khăn hơn trước. Làn sóng người và làn sóng xe cộ chen chúc nhau vô cùng hỗn độn. Mặc dù hiện đã có rất nhiều binh sĩ Khờ-Me đỏ đứng án ngữ trên khắp mọi ngả đường, và đang tỏ ra cố gắng thiết lập trật tự lưu thông nhưng vô hiệu quả. Thỉnh thoảng người ta nghe có tiếng súng nổ khô khan ngay trong thành phố. Quang cảnh khu chợ đã trở nên hỗn độn không thế nào tả được. Các gian hàng và các cửa tiệm đã bị đám đông quần chúng, lính cộng hòa, và cả lính Khờ-Me đỏ nữa chen chúc, xúm nhau vào tranh dành cướp phá. Quần áo, hàng hóa, đồ đạc, vật dụng linh tinh vương vãi khắp nơi. Chẳng ai buồn để ý đến những người xấu số đã chết, hoặc còn đang quằn quại, rên rỉ, nằm lăn lóc khắp nơi trên các vỉa hè đường phố. Võ khí, súng đạn cũng vứt bừa bãi ngổn ngang khắp nơi. Lan-Thi đã vô cùng xúc động khi thấy 1 đứa bé khoảng 5 tuổi, vừa la khóc vừa chạy lanh quanh, quờ quạng tìm bố mẹ, chắc đã lạc trong làn sóng người đông đảo, hỗn độn đi ra hướng ngoại ô. Lan-Thi lo lắng hỏi tôi:
- “Hồi nảy anh nói: đám người này là nông dân đang tìm đường trở về quê. Nhưng sao em thấy trong số cũng có nhiều người ở Thủ đô như mình vậy? Tại sao? Họ đi đâu vậy?”
Thực sự, tôi cũng đang âm thầm lo lắng trước hiện tượng kỳ lạ này, nên đã đổ quạu, khi bị Lan-Thi chất vấn. Tôi đáp cộc lốc:
- “Không biết nữa! Nhưng làm sao anh biết được?”
Thực vậy! Tôi hoàn toàn bối rối, không hiểu nổi những gì đang xảy ra chung quanh. Từng đoàn người lũ lượt, hấp tấp kéo nhau rời thành phố, trong khi lại có những đoàn người khác từ nơi đâu không biết đang bồng bế, dắt dìu nhau, ngơ ngác, mệt mỏi bước vào thủ đô.
Bây giờ đã gần một giờ trưa. Khi vừa bước chân vào nhà, chúng tôi vội vàng mở radio để nghe tin tức, theo dõi tình hình. Chúng tôi rụng rời kinh ngạc khi nghe đài phát thanh truyền lệnh của quân Khờ-Me đỏ, bắt buộc mọi người phải lập tức rời khỏi thủ đô, để tránh một cuộc tấn công mưa bom của đế quốc Mỹ sắp xảy ra. Đồng thời, quân Khờ-Me đỏ còn ra lịnh cho tất cả các cấp sĩ-quan và binh sĩ trong quân đội cộng-hòa, cùng với toàn thể nhân viên trong chánh phủ Long-Boret phải đầu hàng vô điều kiện và lập tức đến trình diện ngay tại trụ sở bộ Thông-Tin.
Từ bao nhiêu năm trong cuộc chiến, thủ đô Nam-Vang chưa lần nào bị ăn bom, và ngay cả bây giờ cũng thế. Đây rõ ràng chỉ là một cái cớ để quân Khờ-Me đỏ bắt buộc quần chúng phải lập tức di tản. Trước tình thế cấp bách này, chúng tôi không còn thì giờ để ăn uống gì nữa. Chúng tôi quyết định trở lại ngay bệnh viện để đón ba tôi và chị tôi.
4. PHÁT SÚNG ÂN HUỆ
Lần này tôi cầm lái, vì Lan-Thi đã mất hết bình tĩnh, nên không thể nào lái xe được nữa. Nàng đã bị khủng hoảng dữ dội sau khi nghe tin di tản cưỡng bách loan ra từ đài phát thanh.
Bây giờ sự lưu thông trong thành phố gần như đã hoàn toàn bị bế tắc. Nhiều ngã đường đã bị quân Khờ-Me đỏ đặt rào cản và bố trí canh gác, không cho dân chúng và xe cộ vượt qua. Để có thể đến được nhà thương, chúng tôi đã phải đánh 1 vòng lớn, lái dọc theo đường Decho Damdin, đến đường Pasteur, rồi nhắm hướng đông bắc, xuyên qua đường Okhma Hing Penn, đến phía sau khu bệnh viện dành cho phụ-nữ. Sau hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ lái xe nhích từng tí một, chúng tôi đã đến nhà thương khoảng 5 giờ chiều. Chúng tôi đều mệt lả, lại cộng thêm sự đói khát dày vò. Từ sáng đến giờ có ăn uống gì đâu, chúng tôi đi như 2 cái xác không hồn. Chúng tôi lảo đảo bước vào bệnh viện. Không khí nơi đây bây giờ vô cùng yên lặng, một sự yên lặng kỳ lạ đến rộn người. Tại cổng ra vào đã có 2 người lính Khờ-Me đỏ đang cầm súng đứng gác. Trông họ có vẻ rất khẩn trương, ngón tay luôn đặt trên cò súng, những khẩu AK 47, kiểu Trung Quốc. Từ khi bước xuống xe, Lan-Thi bước đi như người không tự chủ, tôi phải cầm lấy tay nàng để dắt nàng đi. Chúng tôi đến trước mấy người lính Khờ-Me đỏ. Tôi mở lời lễ phép hỏi:
- “Thưa ông, xin quý ông vui lòng cho phép anh em tôi vào thăm ba tôi”.
Một người trong bọn đáp, giọng đanh thép:
- “Trước tiên, ở đây không có ai là... “ông” hết! Phải gọi là:
“MÍT!” (tiếng Căm-Bu-Chia, có nghĩa là: Đồng-chí) biết chưa?! Sau nữa, ba của mấy người là ai? Bệnh gì? Nếu bệnh nặng thì có thể còn ở trong này. Nếu không, chắc đã di tản theo mấy người khác hết rồi”.
- “Ba chúng tôi là một đại-tá, đã bị thương nặng”.
- “Đại-tá hả? Tại sao hắn lại ở đây? Đây là 1 nhà thương dân sự mà!” Một tên Khờ-Me đỏ khác ngạc nhiên hỏi chen vào.
- “Dạ, thưa đồng chí, vì quân-y viện 701 đã hết chỗ nằm, nên người ta đem ba tôi đến đây. Ba tôi đã bị cưa mất chân phải và bị thương nặng ở bả vai”.
- “Mấy người đến đón hắn ra hay là chỉ đến thăm thôi?”
- “Dạ, nếu được phép, chúng tôi xin đón ra”. Lan-Thi đáp với giọng run rẩy ngập ngừng.
- “Mấy người đã biết rõ thủ-đô phải di-tản khẩn cấp, càng mau và càng xa chừng nào càng tốt chừng nấy, để tránh máy bay B-52 của đế quốc Mỹ đến dội bom san bằng thành bình địa. Những bệnh nhân bây giờ vẫn còn ở trong này đều là những người bệnh nặng hoặc bị thương nặng, nằm chờ thân nhân đến đón ra. Vậy mấy người phải mau mau vô đón ba của mấy người ra đi, hay là...”
- “Dạ phải, bây giờ chúng tôi vô đón ổng đây”. Lan-Thi lo ngại đáp.
- “Hãy chờ đấy, tôi còn phải đi hỏi ý kiến trên xem đã!” Tên Khờ-Me đỏ nói. Hắn có vẻ dễ chịu hơn trước, có lẽ nhờ cái nhìn cầu khẩn van lơn trông rất não nùng của Lan-Thi. Nói xong, hắn rảo bước đi vào phía tòa nhà cũ của bệnh viện. Thời gian chờ đợi thật là nặng nề. Nhưng chỉ độ 5 phút sau hắn đã trở lại, cho biết chúng tôi được phép vào đón thân nhân.
Bệnh viện này có khoảng 1500 giường, nhưng kể từ đầu tháng 4 số bệnh nhân đã gia tăng gấp bội, đến hơn 2000 người cần điều trị. Cảnh tượng nhà thương bây giờ thật là ghê rợn. Xác chết hoặc còn đang hấp hối nằm la liệt trên sân, trên cả các bực thang và ngay giữa lối đi. Trong phòng chỉ còn toàn những bệnh nhân liệt giường và những người bị thương nặng. Họ nằm trên giường, nhưng cũng có người nằm ngay trên sàn nhà. Máu dơ loang từng vũng khắp nơi. Mùi tanh hôi xông lên đến lộn mửa. Dường như hầu hết những bệnh nhân còn lại đều đã bị ngất xỉu hay bất tỉnh, nên không khí hoàn toàn yên lặng như một nhà xác. Trên thi thể của những xác chết bu đầy ruồi nhặng. Chúng tôi chẳng thấy bóng dáng một người bác sĩ hay một y tá nào.
Hành động thật cẩn thận, tôi dùng hai tay nâng người ba tôi lên, trong khi đó Lan-Thi đở cái chân còn lại của ông. Chúng tôi đặt ba tôi lên một cái cáng để khiêng đi cho dễ. Vết thương trên bả vai bên trái của ổng đã làm độc, xông ra một mùi hôi thối thật khó ngửi. Một nhóm binh sĩ Khờ-Me đỏ đang đứng hút thuốc và tán gẩu trong phòng kế bên. Bọn họ không buồn để ý đến chúng tôi kể từ lúc vào cho đến lúc ra. Nhưng một nhóm vài người khác đang đứng ngoài sân thì lại nhìn chúng tôi cách soi mói khó chịu. Một người trong bọn họ chỉ tay về phía chúng tôi và hỏi to:
- “Ê, đi đâu đó? Bộ mấy người không biết hắn sắp chết à?”
- “Chúng tôi chở ổng về nhà”. Lan-Thi đáp và chúng tôi vẫn tiếp tục đi tới.
Bọn lính này bước vào trong bệnh viện. Nhưng có một người trong bọn họ, chắc là tên chỉ huy của toán đó, bất ngờ quay trở ra và quát to lên:
- “Ê, mấy người đó! Chờ chút! Trở lại đây ngay!” Chúng tôi đành phải quay trở lại, vào phòng tiếp tân, và đặt cái cáng ba chúng tôi xuống nền nhà.
- “Ba của mấy người là đại tá, phải không?” Tên Khờ-Me đỏ này hỏi với một giọng đầy man rợ.
Bây giờ tôi chợt tỉnh ngộ là đã hớ hênh, vô tình nói đến cấp bậc trong quân ngũ của ba tôi. Tôi cảm thấy tê tái trong lòng, nhưng không thể làm thinh, chẳng trả lời câu hỏi của hắn, nên đành ấp úng khẽ: “Dạ!” một tiếng thật nhẹ nhàng. Tên này liền quay về phía đồng bọn la to lên:
- “Mấy đồng chí thật là sơ xuất. Mấy đồng chí để cho đại tá ra đi như thế này sao?”
Xong hắn quay về phía chúng tôi, nhìn thẳng vào mặt của Lan-Thi nói:
- “Khiêng cáng kiểu này mấy người không thể đi xa được!”. Hắn tiếp tục nói với giọng rất bình thản đến lạnh lùng và còn có vẻ nhân-từ cách rất đểu cáng: “Mấy người có bổn phận phải rời thành phố càng nhanh càng tốt, càng xa càng tốt. Mấy người đã thấy quang cảnh đường phố bây giờ đông đảo, chen chúc như thế nào rồi. Mọi người đều đang tranh nhau ra đi. Vậy hãy để cái gánh nặng này lại đây, tôi giải quyết giúp cho. Hắn cũng sắp chết thôi. Hãy nhìn vào mặt hắn coi!”
Vừa dứt câu, hắn móc khẩu súng lục ra. Lan-Thi vội chạy lại quỳ dưới chân hắn, chắp tay lạy van rối rít:
- “Trời ơi, lạy ông, xin ông thương đừng giết ba tôi!”. Vì quá kinh-ngạc, tôi đứng chết sững, như bị trời trồng. Tên này quay về phía đồng bọn ra lịnh:
- “Lôi con nhỏ khùng này ra! Mau lên!”
Bằng một thái độ thật bình thản và một cử chỉ thật chính xác, hắn bắn một phát vào thái dương bên trái của ba tôi. Tôi thấy người ba tôi giật nẩy lên, dãy dụa mấy cái, rồi từ từ nằm im. Cái lổ nhỏ đen ngòm trên thái dương của ba tôi dường như cũng đang từ từ đóng kín lại, không có một giọt máu nào rỉ ra.
Chúng tôi té quỵ xuống bên cái cáng, tâm hồn tràn ngập kinh hoàng và đau đớn. Riêng tôi có cảm giác như chính mình vừa bị trúng viên đạn của tên Khờ-Me đỏ bắn vào đầu. Lan-Thi đang gào khóc và gục đầu trên ngực của ba tôi. Nhưng bọn Khờ-Me đỏ liền đuổi chúng tôi ra khỏi nhà thương. Nước mắt em tôi đã ướt đẩm cả mái tóc đen dài xỏa xuống bên bờ vai, còn tôi thì chẳng khóc được tiếng nào. Tôi cảm thấy đã bị nghẹt thờ vì uất hận.
Chúng tôi rảo bước chạy qua phía bảo-sanh-viện, đối diện với nhà thương, nằm ngay bên kia lề đường của đại lộ France. Tôi vừa đi vừa phải nâng lấy em tôi đã không còn đủ sức để bước nữa. Chúng tôi không thốt được lời nào. Đôi môi của chúng tôi dường như đã bị dính chặt vào rồi. Vừa đi tôi vừa tưởng nhớ đến những lời hoan hô vui mừng nồng nhiệt của quần chúng hồi sáng nay. Những âm thanh này dường như hãy còn đang vang vọng đâu đây, thoảng trong đôi tai của tôi:
- “Chiến tranh đã chấm dứt. Hoan hô hòa bình! Chiến tranh đã chấm dứt! Hoan hô hòa bình!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét