Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Đời người dưới chế độ Khơ Me Đỏ - Phần 6

24. THỪA KẾ DI-SẢN
Mùa rét năm 1975 thật là khổ sở cho những người dân thành thị bị lưu đày bất ngờ như chúng tôi. Chẳng ai nghĩ đến việc đem theo đồ ấm hay chăn mềm gì cả. Mỗi tối, trong lều lá mỏng manh, chúng tôi phải đốt lửa để sưởi ấm.
Một hôm, trong lúc chúng tôi đang làm việc, bỗng Toum xuất hiện. Trông hắn gầy xọm hẳn đi, nhưng vẫn khỏe mạnh như thường.
Hắn nói:
- Cám ơn các đồng chí đã đến thăm tôi trong lúc tôi ốm. Hôm nay tôi đem đến cho các đồng chí 1 tin vui và 1 tin buồn. Tôi kể tin vui trước: Cậu tôi nói cuộc điều tra của Angkar về tiền tích cách mạng của Chấn sắp có kết quả tốt. Vậy từ nay 2 người khỏi lo ngại gì nữa. Nhưng riêng về phần tôi, lại được 1 tin rất buồn: ngày mai tôi sẽ phải xa các bạn rồi. Có lẽ không bao giờ mong gặp lại...
- Bộ Toum bị đổi đi sao? Lan-Thi lo lắng hỏi.
- Phải. Tôi phải ra mặt trận.
- Mặt trận nào?
- Phía Đông Nam, sát biên giới Việt Nam. Các đồng chí biết chiến tranh đã bùng nổ từ hồi tháng 5, nhưng lần này đánh nhau với bọn Việt Nam, trên cả 3 mặt trận: vùng Đông Bắc gần Rattanakiri, vùng Đông Nam, khu “mỏ Vẹt” và phía Nam vùng Hà Tiên.
- Có phải là những đụng chạm nhỏ ở biên giới không? Tôi hỏi.
- Không. Lần này vô cùng nghiêm trọng. Chiến tranh thực sự giữa Việt Miên đã xảy ra, vì bọn Việt Minh đã không chịu trả lại những vùng đất mà trước kia chúng đã mượn làm căn cứ địa đánh vào miền Nam Việt Nam.
- Toum đã khỏi hẳn rồi hả? Lan-Thi hỏi.
- Phải, nhưng đây chẳng phải là lần đầu tiên. Trong thời chiến tranh trước, nhiều khi tôi đã phải đánh nhau giữa lúc đang lên cơn sốt đến 40 độ! Nhưng lần này tôi có linh-cảm chắc không sống sót được, vì tôi được trao phó một công tác cực kỳ nguy hiểm. Tôi phải tham gia đoàn quyết tử, thâm nhập hàng ngũ địch. Các đồng chí biết đánh nhau với bọn Việt-Nam không dễ ăn như đánh nhau với bọn lính Lon Nol đâu. Tụi nó kinh nghiệm chiến trường đầy mình. Bởi thế, tôi đến từ biệt các bạn.
- Tụi tôi sẽ nhớ Toum nhiều lắm. Lan-Thi ngậm ngùi nói. Toum đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, bây giờ chúng tôi chẳng còn trông cậy vào ai được.
- Các bạn cứ yên tâm. Tôi đã xin cậu tôi lo cho các bạn. Nếu có chuyện gì xảy ra cứ đến gặp ổng. Cậu tôi biết chúng ta là bạn từ lâu. Nhưng trước khi đi, tôi nhờ Chấn giữ dùm tôi cái gậy gỗ mun này. Nó là vật quý nhất đời tôi. Tôi không thể nào đem theo ra mặt trận được, sợ bị thất lạc. Nếu tôi may mắn sống sót trở về, tôi sẽ nhận nó lại. Nếu tôi chết, xin các bạn giữ nó như 1 kỷ vật của tôi. Mai mốt, khi các đồng chí đã được Angkar thừa nhận các đồng chí sẽ có dịp xử dụng nó như tôi đã xử dụng. Nó rất tiện dụng và hiệu nghiệm ghê gớm...

Tôi đáp lời Toum:
- Cám ơn đồng chí. Tôi sẽ cố gắng giữ gìn nó theo lời ủy thác của đồng chí và hy vọng một ngày không xa đồng chí sẽ trở về nhận lại nó. Trong trường hợp, chúng tôi phải dời đi nơi khác, tôi sẽ trao lại cho cậu đồng chí.
- Đừng! đừng đưa cho ổng. Ổng sẽ đem cho người khác mất. Đồng chí cứ giữ lấy. Nếu được trở về, tôi sẽ tìm ra đồng chí để nhận lại không khó khăn gì. Ngoài ra, tôi còn được biết tất cả dân trại này sẽ sắp phải di chuyển đi nơi khác. Dù vậy, cậu tôi có nói sẽ giữ các đồng chí ở lại để chờ kết quả tin tức của Angkar, nhưng theo luật không được lâu quá hơn 3 tháng. Đồng thời tôi cũng đã có lời gửi gắm chị em cô Phalla và Sophi cho cậu tôi, vì tôi biết 2 người đó là bạn thân của các đồng chí.
Lúc ấy trời đã quá trưa, Lan-Thi mời Toum cùng ăn cơm với chúng tôi. Sau khi ăn xong, tôi tiếp tục công việc, để Lan-Thi ngồi lại nói chuyện với Toum.
- Lan-Thi hãy nhìn thằng vào tôi đây nè. Toum nói. Tôi biết lần này tôi sẽ gặp nhiều bất hạnh ở chiến trường, chẳng phải vì chiến tranh mà chính vì tôi không bao giờ quên được Lan-Thi.
- Lan-Thi hiểu Toum. Nàng đáp và thở dài não nuột. Lan-Thi cũng sẽ không bao giờ quên được Toum. Vì Lan-Thi và Chấn đã nhờ ơn của Toum mà hãy còn sống đến ngày nay.
- Lan-Thi hãy cho tôi nụ hôn từ biệt được không?
Đôi má Lan-Thi đỏ bừng lên, nhưng nàng không nói gì. Toum bước đến bên nàng, kề sát mũi vào má nàng, cẩn thận hít một hơi dài như người ta hít mùi thơm của 1 đóa hoa hồng. Rồi hắn nói:
- Lan-Thi có mùi da thịt rất thơm, quyện lẫn với mùi thơm của lúa chín và hoa rừng. Mùi thơm thật tinh khiết, mặc dù đã từ mấy tháng nay rồi Lan-Thi không còn là 1 thiếu nữ đồng trinh nữa... Cám ơn Lan-Thi nhiều lắm và bây giờ thì tôi phải trở về trại để sửa soạn.
- Ngày mai, giờ nào thì Toum sẽ khởi hành? Tụi này có thể đến chào tạm biệt được không? Lan-thi hỏi.
- Còn gì vui sướng bằng! Cam-nhông sẽ đến đón tôi vào khoảng 10 giờ sáng, để đưa tới Kompong Chàm...
Sáng hôm sau, chúng tôi đến trại vào khoảng 9 giờ rưỡi. Trong khi chờ đợi xe đến đón, Toum đã đưa chúng tôi vào gặp cậu của hắn. Ông ta tiếp đón chúng tôi rất vui vẻ, thân mật. Khi chia tay, Toum bước lên xe, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi nhìn theo và tôi thấy Lan-Thi đã đưa tay áo lên chùi nước mắt.
Kể từ ngày đó, chúng tôi phải sống trong không khí vô cùng dè dặt. Tên Khờ-Me đỏ thay Toum là 1 tên sát nhân rất lạnh lùng. Hắn lầm lì dễ sợ. Chỉ 1 ngày sau hắn đã khám phá ra 2 người đội tên giả. Hai tội nhân khốn khổ liền bị trói giặt cánh khỉ bằng giây kẽm thật chặt, đến nổi đứt da, chảy máu ròng ròng. Tên Khờ-Me đỏ này dẫn 2 người ra phía bờ rừng sau trại, trên tay hắn cầm cây gậy ngắn bằng loại gỗ tầm thường, trong xấu xí hơn cây gậy của Toum rất xa. Vừa đi hắn vừa vung vẩy cây gậy như biểu diễn một điệu múa của tử thần.
Cây gậy của Toum để lại, tôi đem treo lên vách lều. Lan-Thi rất sợ nó và không bao giờ dám bén mảng đến gần chỗ đó. Đối với nàng nó không phải là 1 cây gậy bằng gỗ vô tri giác mà là 1 cái gì đã quyện rất nhiều oan hồn uổng tử. Theo người Căm-Bu-Chia tin tưởng thì những người đã bị chết cách đau đớn oan hồn của họ sẽ không sớm siêu thoát được mà cứ lẩn quẩn mãi ở chổ bị giết.
Một đêm, trong lúc tôi đang ngủ say, nàng đánh thức tôi dậy và thì thào bảo tôi hãy lắng tai. Tôi đáp:
- Chẳng nghe thấy gì cả!
Nàng thì thào:
- Bộ anh không nghe tiếng kêu khóc và thở dài rên rỉ ở chỗ cây gậy sao?
Lúc bấy giờ tôi mới chăm chú lóng tai nghe, quả nhiên thấy có những âm thanh kỳ lạ đến rợn người. Tôi vội ngồi dậy, thắp đèn lên và lại chỗ treo gậy, ghé tai sát vào nó, nhưng chẳng nghe thấy gì nữa. Tôi và Lan-Thi còn đang phân vân thì bỗng tên Khờ-Me đỏ trực gác đêm đã thò đầu vào hỏi chúng tôi làm gì mà thức khuya như vậy. Tôi giải thích lý do cho hắn nghe. Nó nói giọng cực kỳ tàn bạo:
- Có thể đó là những tiếng cú kêu hay là tiếng của các loại thú rừng ăn đêm. Cũng có thể còn là tiếng rên rỉ của những kẻ vừa bị đập đầu hồi chiều ở bìa rừng chưa chết hẳn. Các người phải tập quen với những thứ tiếng ấy chứ!
- Nhưng tôi chưa từng nghe những thứ tiếng ấy bao giờ, thưa đồng chí.
- Chỉ vì tại mấy người không để ý đó thôi. Bây giờ mấy người có cây gậy đó treo trong nhà rồi sinh ra liên tưởng.

25. TRÁI ĐẮNG CHẾT NGƯỜI
Đến cuối tháng mười một, trời bỗng nổi cơn mưa dông dữ dội, sau nhiều tháng nắng ráo, khô cạn hết cả nước uống lẫn nước xài. Nhân dịp này chúng tôi rủ nhau vào rừng lấy nước suối.
Một hôm, giữa lúc chúng tôi đang làm việc, bỗng 2 chị em cô bé hàng xóm Phalla và Sophi, tay xách thùng chứa nước, từ trong rừng hốt hoảng chạy ra.
- Cái gì vậy? Lan-Thi hỏi.
- Anh chị đến coi... Có xác người chết nằm bên bờ suối trong rừng đó. Cả một gia đình. Chắc họ mới chết, xác còn tươi rói hè. Vào mà coi, đi chị.
Chúng tôi theo chân 2 chị em cô bé chạy vào rừng, cách bờ suối chừng hơn trăm thước đã thấy 6 xác người nằm co quắp với nhau trên mặt đất. Rõ ràng là 1 gia đình, gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con nhỏ khoảng từ 3 đến 9 tuổi. Tất cả đều gầy ốm trơ xương. Trên tay người cha còn đang cầm một trái rừng chín đỏ, mà tôi không biết tên là gì, to như quả chanh. Loại trái này chín rụng đầy trên mặt đất dưới gốc cây. Tôi lật các tử thi lên coi, thấy không có dấu vết gì chứng tỏ họ đã bị bọn Khờ-Me đỏ hành quyết. Lan-Thi thấy thế, đưa ra đề nghị:
- Anh cũng nghĩ thế. Ta đâu làm gì khác hơn được. Tôi đáp.
Tên lính Khờ-Me đỏ được báo tin này chẳng tỏ ra mảy may động tâm hay vội vã. Hắn miễn cưỡng, uể oải theo chúng tôi đến chỗ các tử thi nằm. Hắn lấy chân hất xác 1 đứa bé đang nằm sấp cho lật ngược lên, rồi thản nhiên giải thích cho chúng tôi biết rằng đó chỉ là 1 vụ tự sát tập-thể của 1 gia đình. Chuyện này thường xảy ra luôn, chẳng có gì đáng bận tâm cả.
Cuối cùng hắn kết luận:
- Thôi mấy người đừng chộn rộn nữa. Tụi này chỉ là 1 gánh nặng cho xã hội thôi. Bọn chúng đã không muốn sống, thì cứ chết như thế cho đỡ mệt người khác.
- Nhưng, thưa đồng chí, có thể là 1 tai nạn rủi ro không? Tôi hỏi.
- Không. Chẳng có tai nạn rủi ro gì cả. Loại trái ấy rất đắng, khi chín có rất nhiều chất độc cực mạnh. Ai cũng biết. Nhìn mặt đứa nhỏ này coi. Rõ ràng nó đã bị cha mẹ nó nhét trái ấy vào mồm. Đây chẳng phải là lần thứ nhất tôi thấy cảnh này. Chuyện xảy ra như cơm bữa ở khắp các trại. Có gia đình thì cùng nhau treo cổ chết cả nhà. Nhưng bây giờ là mùa trái này chín nên có nhiều gia đình chọn cách ăn trái ấy để chết cho êm thắm hơn. Bọn này chắc cũng chỉ mới chết cách đây chừng hơn 1 tiếng đồng hồ thôi.
- Vậy chúng ta phải làm gì, chứ chẳng lẽ cứ để phơi mấy cái xác đó, thưa đồng chí? Lan-Thi hỏi.
- Chẳng cần phải làm gì hết. Chỉ vài hôm là bọn thú rừng đã dọn sạch trơn rồi. Vừa trả lời, tên Khờ-Me đỏ vừa quay gót trở ra.
26. ĐÁM CƯỚI TẬP THỂ
Dân chúng Căm-Bu-Chia vốn có tục thường lấy nhau vào tháng Chạp. Lúc ấy là mùa lạnh. Đa số nông dân làm gì có quần áo len ấm để mặc vào mùa đông. Về đêm, nếu ngủ một mình thì lại càng cảm thấy lạnh hơn. Bởi thế mùa này còn được coi như là mùa của ái ân, mùa của yêu đương, để sưởi ấm cả tâm hồn lẫn thể xác con người.
Tục này cũng đã diễn ra trong các nông trường lao động cải tạo của bọn Khờ-Me đỏ, nhưng dưới hình thức tập thể. Đám cưới tập thể được diễn ra làm 2 đợt. Đợt thứ nhất dành cho các cặp thanh niên nam, nữ Khờ-Me đỏ lấy nhau, gọi là “trong gia đình cách mạng”. Đợt thứ nhì, diễn ra ngay sau đó, dành cho các đấng “anh hùng cách mạng” kết hôn với những người con gái thuộc thành phần... “Ngụy”!

Đây là cao điểm chót của đám cưới tập thể!
Một đêm trước ngày đám cưới, ban chỉ huy trại đã cho lính đi ruồng bắt hết những thiếu nữ đến tuổi có thể làm tình được trong những gia đình dân chúng lưu đày đem về giam lỏng trong văn phòng. Một toán nhỏ phụ-nữ Khờ-Me đỏ lãnh trách nhiệm canh gác và giải thích cho những thiếu nữ xấu số, đáng thương này biết trước những gì sắp xảy ra trong ngày đám cưới tập thể.
Lan-Thi may nhờ được Toum che chở, lại thêm mang danh nghĩa gái đã có chồng, nên thoát khỏi cuộc bố ráp tàn nhẫn này. Nhưng 2 chị em cô bé hàng xóm của chúng tôi là Phalla và Sophi lại bị bắt đi cùng với mười mấy cô gái khác đồng cảnh ngộ. Với tư cách là những người đỡ đầu cho chị em Phalla và Sophi, đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên chúng tôi được phép đến chứng kiến cảnh đám cưới tập thể ấy.
Khoảng 8 giờ sáng, đám đông người đã tụ họp trước phòng ăn tập thể của trại, đứng ngồi đầy trước khu sân rộng. Hôm nay cờ xí và biểu ngữ với những khẩu hiệu cách mạng đã treo khắp nơi. Đến 9 giờ thì viên chỉ huy trại đến. Hắn vẫn mặc bộ đồ đen thường nhật và trên tay cầm mấy tờ giấy có ghi danh sách những người sắp kết hôn.
Hôm nay đám cưới tập thể của trại đã đặc biệt dành cho 7 chàng Khờ-Me đỏ, được xưng tụng là “anh hùng cách mạng” và “con cưng của Angkar”, sẽ kết hôn với những cô gái... Ngụy!
Theo nguyên tắc, 7 chàng rễ mới này sẽ được viên chỉ huy trại đọc tên từng người lên chọn vợ trong số 19 thiếu nữ ngụy, đang rầu rĩ ngồi thành 1 hàng dài trên những chiếc ghế tre như những tội nhân sắp bị lên.. đoạn đầu đài!
Mặc dù hôm nay chỉ có 7 người trong số 19 cô sẽ bị trở thành “công cụ ái-tình” của những chành “anh hùng cách mạng”, nhưng vẻ mặt cô nào cũng đau buồn, và đôi mắt đỏ hoe, vì đã khóc suốt đêm qua.
Khi viên chỉ huy cầm tờ giấy đứng lên, sắp sửa đọc tên, không khí bỗng trở nên hoàn toàn im lặng. Mọi người đều nín thở để nghe cho rõ. Cố lấy giọng thật cao và trịnh trọng, viên chỉ huy dõng dạc hô to:
- Đồng chí Kheng! Đồng chí hãy đứng lên và chọn vợ!
Từ trong đám đông Khờ-Me đỏ, 1 thanh niên nhỏ thó với khập khễnh chống gậy bước ra, đi lên phía khán đài. Hắn bị mù cả đôi mắt. Khắp mặt hắn bị cháy phỏng lột hết da và chẳng còn sợi tóc nào. Trên cái đầu khủng khiếp ấy người ta còn thấy những vết mủ và nước vàng từ 2 cái lỗ mắt sâu hoắm đang chảy rịn xuống. Khi tới gần khán đài, hắn nói:
- Thưa đồng chí Kamaphibal. Đồng chí là 1 đấng siêu nhân, có khả năng phân biệt cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai, vậy xin đồng chí tùy tiện lựa dùm em một người vợ. Sự lựa chọn của đồng chí là của em!
- Đồng chí Kheng-viên Kamaphibal nói - Trong cuộc lựa chọn này tôi không thể nào thay mặt đồng chí được. Hôn nhân là điều rất quan trọng, hơn thế nữa đây lại là những người con gái thuộc thành phần... “ngụy”, tôi không biết gì về họ cả. Nếu là những nữ đồng chí cách-mạng thì tôi có thể giúp được phần nào ý kiến. Vậy, để giải quyết vấn đề này cho đồng chí, tôi đề nghị 1 cuộc bắt thăm. Đồng chí có bằng lòng không?
- Như vậy cũng được, thưa đồng chí Kamaphibal!
Lập tức mấy nàng Khờ-Me đỏ liền lấy giấy xếp lại, cắt, ra làm 19 lá thăm nhỏ, vo tròn lại, rồi bỏ vào trong 1 cái giỏ tre.Viên Kamaphibal lấy 1 lá thăm ra viết tên “Kheng” lên, rồi cuốn lại như cũ, bỏ vào trong giỏ. Sau khi đã xào mấy lá thăm cho lẫn lộn rồi, 1 nàng Khờ-Me đỏ cầm giỏ thăm đến chĩa vào trước mặt từng người con gái đang ngồi cứng đơ như tượng gỗ và mặt mày xanh xám cắt không còn giọt máu vì sợ hãi.
Tôi thấy những bàn tay nhỏ bé, yếu đuối, run rẩy cầm lên những mảnh giấy cuốn tròn, có giá trị quyết định cả một cuộc đời trong tương lai của họ. Như số phận đã định đoạt, Sophi cô bé hàng xóm còn ngây thơ và rất dễ thương của chúng tôi đã bắt trúng lá thăm này!
Vừa mở lá thăm ra, nàng đã buột miệng kêu to:
- Trời Phật ơi!
Rồi nàng ngồi yên chết lặng, hai hàng nước mắt tuôn rơi lã chã. Trong khi đó, Phalla ngồi kế bên đưa tay lên bưng mặt nức nở, nghẹn ngào. Lúc ấy, một bà lão nhà nông bước đến tìm lời an ủi nàng:
- Cháu đừng có khóc. Hôm nay là 1 ngày vui chứ đâu phải là ngày chết chóc.
Vừa nói bà ta vừa gỡ lấy tờ giấy nhỏ trong tay Sophi đem đưa cho viên Kamaphibal, đồng thời chỉ về phía Sophi và nói to lên cho mọi người cùng nghe:
- Đây là lá thăm may mắn nhất!
Chàng “anh hùng cách-mạng” Khờ-Me đỏ, tên Kheng, chẳng may đã mù mắt nên không thể thưởng thức được vẻ đẹp khả ái của người vợ trẻ, lúc bấy giờ đang ngồ ủ rũ, xanh xao như 1 cái xác không hồn.
Viên Kamaphibal cầm lá thăm đưa lên cao, ho tô khẩu hiệu:
- Hoan-hô cô dâu!
Mọi người đều hô to theo, lập lại đến 3 lần: “hoan hô cô dâu!”
Sau đó Sophi liền được dìu đến ngồi bên cạnh anh chàng tật nguyền, con cưng của Angkar. Cuộc chọn vợ tiếp tục diễn ra. Tất cả 7 chàng anh hùng cách mạng đều là những phế-nhân, kẻ thì cụt cả 2 tay, người thì cụt cả 2 chân. Có đứa nhẵn nhụi như 1 củ khoai, chẳng còn tay chân gì nữa. Tuy nhiên, kẻ thiệt thòi nhất vẫn là tên Kheng, vì mù mắt, nên đã không thưởng thức được vẻ đẹp của người con gái... “ngụy”!
Lần này, may mắn cho Phalla, nàng đã thoát nạn bị cưỡng bách lấy anh hùng cách mạng!
Trước khi tuyên bố chấm dứt buổi lễ đám cưới tập thể, viên Kamaphibal ra lịnh cho mọi người đồng hô to 3 lần khẩu hiệu:
- Hoan hô vợ chồng mới! Angkar muôn năm!
Tôi và Lan-Thi cùng Phalla theo chân mọi người rời khỏi khu làm lễ, để Sophi ở lại một mình với cuộc đời bắt đầu đổi mới của nàng giữa đám Khờ-Me đỏ. Vừa đi tôi vừa bâng khuâng tự hỏi: liệu Sophi có đủ can đảm để chịu đựng số phận cay nghiệt này không? Nàng sẽ sống làm sao bên 1 gã đàn ông dốt nát tật nguyền, trông đến khủng khiếp như thế? Tôi cảm thấy sót xa, thương hại nàng vô cùng.
Hôm sau là phiên của Sophi phải đến trại để lãnh khẩu phần, nhưng vì nàng không còn ở chung với chúng tôi nữa, nên Phalla đã đi thay nàng. Nhưng chỉ giây lát sau Phalla đã trở về vừa đi vừa khóc mếu máo, trông thật là thảm thiết. Nàng nức nở nói trong tiếng khóc:
- Sophi đã chết rồi anh chị ạ!
Lan-Thi hốt hoảng hỏi:
- Sao vậy? Tại sao Sophi lại chết!
- Sophi đã tự tử chết từ hôm qua rồi, anh chị ơi. Đây là lá thơ tuyệt mệnh mà bọn Khờ-Me đỏ đã tìm thấy trên xác của Sophi...
Lan-Thi ôm chầm lấy Phalla và òa lên khóc nức nở. Tôi cũng không dằn được xúc động, khóc bật lên thành tiếng nghẹn ngào. Tôi cầm lá thơ của Sophi đọc dứt từng quãng một:
“Em yêu quý và các bạn thân mến,
Tôi không biết phải nói làm sao cho em và các bạn hiểu chuyện này. Đầu óc tôi đã hoàn toàn trống rỗng. Tôi đã ngất lặng đi giờ lâu khi nghĩ đến em Phalla, còn quá ngây thơ khờ dại, thân phận côi cút, lại phải sống lạc loài trong một xã hội tàn ác bất nhân. Đối với tôi, xã hội này đã biến cái chết thành 1 phương tiện giải thoát tốt đẹp nhất. Em và các bạn hãy tha thứ cho tôi. Tôi hy vọng sẽ được gặp lại em và các bạn trong một cuộc sống khác. Sophi”.
Đọc xong thơ, Lan-Thi nói với Phalla:
- Kể từ bây giờ Phalla nên ăn chung với tụi tôi. Nếu Phalla sợ không dám ngủ 1 mình cứ qua ngủ chung với tụi tôi.
- Em sẽ ăn chung với anh chị. Nhưng em không sợ ngủ 1 mình. Phalla đáp giọng có vẻ cứng cỏi.
- Điều đó tùy ý em. Nhưng nhớ rằng anh chị lúc nào cũng yêu quý em như ruột thịt. Chúng ta cùng 1 cảnh khổ như nhau cả. Khi nào phải rời khỏi nơi đây, anh chị sẽ xin đem em theo luôn.
- Em cám ơn chị Lan-Thi nhiều lắm. Vừa nói nàng vừa chùi nước mắt.
Hôm sau, đến bữa cơm trưa, chúng tôi chờ mãi không thấy Phalla đến. Chúng tôi sinh ra lo ngại chạy đi tìm kiếm tứ tung. Trong lều không có nàng. Chỗ làm việc cũng không thấy nàng đâu, Cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy thân thể nàng nằm dài trong rừng, dưới gốc cây rụng đầy trái chín có chất độc chết người. Miệng nàng còn ngậm nửa trái độc và 1 tay còn giữ khư khư nửa trái khác!

2 nhận xét:

  1. Tây Ninh ơi!

    Kiếm đâu ra thông tin này vậy?
    Bia Tiệp nhé?

    BY

    Trả lờiXóa
  2. Úi chà chà ông anh của em, hehe bia lon Hà Nội bác nhẩy.

    Trả lờiXóa