Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Đời người dưới chế độ Khơ Me Đỏ - Phần 3

10. SA THẢI TỰ NHIÊN
Sáng hôm sau, ngày 21-4, đoàn người lưu đày lại tiếp tục lên đường trong không khí nóng nực như lò lửa. Những người đã chết trong đêm hay bây giờ còn đang ngắc ngoải, hấp hối đều bị bỏ lại làm mồi cho kên kên và chồn sói. Trên đầu chúng tôi từng đàn kên kên, diều, quạ đang bay lượn chờ chực.
Chúng tôi không ai đem theo cuốc xẻng để đào hố chôn cất thân nhân. Sáng sớm, tôi thấy xác người đã nằm ngổn ngang khắp nơi trên mặt đất. Tất cả đều trơ trọi phơi xác trên đất, ngửa mặt ngạo nghễ nhìn trời không nhúc nhích. Chỉ có vài người may mắn đã được thân nhân phủ lên mặt 1 tấm khăn quàng, hay 1 cành lá khô. Những người còn sống sót, còn đủ sức để tiếp tục cuộc hành trình, trước khi ra đi không khỏi bịn rịn với thi thể của thân nhân, khóc lóc vật vã và ngỏ lời từ biệt. Dọc đường lại thêm nhiều người nữa gục ngã, đa số đều là những người già yếu và trẻ em. Đây là chính sách “chọn lựa tự nhiên” của bọn Khờ-me đỏ. Chỉ những kẻ nào đầy đủ sức khỏe mới được sống sót. Ngoài ra đều bị sa thải tự nhiên, chánh phủ không phải tốn cơm của, thuốc men, để nuôi dưỡng. Ngay cả sự tống táng chánh phủ cũng dành cho loài điểu thú cáng đáng giúp!
Hôm nay đoàn người như bị ứ đọng, không thể nào tiến bước thêm được nữa. Chúng tôi đành dậm chân tại chỗ dưới cơn nóng nực như trong lò lửa. Cuộc di tản từ thủ đô đến đây sắp tiến vào giai đoạn chót. Đoàn người đi đầu đã bị ứ đọng tại Prek Kdam, trong khi làn sóng người bất tận từ đàng sau vẫn tiếp tục đổ dồn tới. Trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ tiến thêm được vài trăm thước. Hai bên đường xác chết và những người hấp hối nằm la liệt, không thể nào đếm hết được. Tất cả đều phó mặc cho số mệnh. Một bà già khoảng 70 tuổi gục trên đống đá ong, nhưng vẫn con cố gắng cởi sợi giây cột bà và đứa cháu nhỏ vào nhau cho khỏi thất lạc và thều thào nói:
- “Cháu ráng sức đi đi... Đi theo mấy người đó. Bà đi không nổi nữa. Bà biết... bà sắp chết rồi!!...”
- “Không, bà! Cháu muốn ở lại với bà”. Đứa bé vừa khóc vừa nói.
Lan-Thi tìm cách giúp bà lão đứng lên, nhưng lập tức 1 tên Khờ-Me đỏ bước đến, quát:
- “Để nó nằm đó! Nếu nó không đi nổi nữa, kệ nó!... Còn mày, đi đi, không được cản trở bước tiến!” Rồi quay về phía đứa bé, hắn nói:
- “Đi tới! Mau lên!”
- “Nhưng tôi đi với ai! Tôi không còn ai nữa?” Đứa trẻ đáp trong nước mắt.
- “Sẽ có người khác lo cho mày. Bây giờ không được lộn xộn. Đi mau lên”.
Đứa trẻ lặng lẽ làm theo lời hắn nói, chen vào đám đông rồi mất dạng. Dưới 1 cái hố cạn bên đường, một thiếu phụ đang chuyển bụng đẻ. Người chồng lo quýnh quáng, chạy lăng xăng kêu cứu giúp đỡ, nhưng chẳng ai dám ngừng chân trong giây lát. Tất cả đều ngoảnh mặt đi làm như không trông thấy gì đang xảy ra trước mắt. Biết bao nhiêu phụ nữ đã sanh đẻ trong trường hợp đau đớn khủng khiếp này, bên đường, dưới cơn mưa tầm tã hay dưới ánh nắng nóng thiêu đốt của mặt trời hè?
Toàn thể dân chúng trên toàn quốc Cam-Bu-Chia đã phải di tản trong tình trạng này, chứ không riêng dân thủ đô Nam-Vang đã phải riêng chịu đọa đày để trả thù giai cấp!
11. TẤT CẢ ĐỀU LÀ TÀI SẢN CỦA NHÂN DÂN
Khi đoàn chúng tôi đã tiến thêm được khoảng 3 cây số nữa, đến gần thị xã Prek Kruos, bọn Khờ-Me đỏ thấy không thể nào di chuyển được nữa, bèn ra lịnh cho chúng tôi dừng chân. Lan-Thi và tôi cũng như hàng ngàn người khác đã nhanh chân đến tìm chỗ nằm nghỉ chung quanh 1 ngôi chùa hoang vắng. Đây là 1 ngôi cổ tự kiến trúc rất đẹp, nằm bên một bờ hồ nước trong xanh. Cảnh trí thiên nhiên thanh tịnh này trải rộng ra đến cả ngàn thước chung quanh. Đây là 1 ngôi chùa dường như rất hiếm còn tồn tại, không bị chiến tranh tàn phá. Hiện thời, chùa bỏ hoang không có sư trụ trì chăm sóc, nhưng chung quanh những hàng rào hoa đủ loại, muôn màu vẫn đua nhau phô sắc thắm. Sau chùa là một vườn xoài rộng lớn, nặng trĩu trái chính vàng ươm, khiến ai nhìn cũng không khỏi nuốt nước miếng.
Hai thiếu niên trạc độ 13 hay 14 tuổi đã không tự chủ được, leo lên cây hái xoài ăn. Một tên Khờ-Me đỏ bước đến, thay vì kêu 2 em đó xuống, đã lạnh lùng giương súng nhắm bắn 2 em đó như người ta bắn chim! Hai em này té lăn xuống, máu tuôn ướt đất, nằm chết thẳng cẳng mà trên tay vẫn còn cầm chặt 1 trái xoài.
Tên Khờ-Me đỏ này quay nhìn đám người đang sững sờ đứng nhìn quanh đó và dõng dạc lên lớp:
- “Mấy người hãy coi chừng! Không ai được lấy bất cứ vật gì nếu “Angkar” (tiếng Căm-Bu-Chia, chỉ: Cơ-quan, tức ĐẢNG CỘNG-SẢN Căm-Bu-Chia) chưa cho phép. Tất cả đều là tài sản của... “Nhân Dân”, và sẽ được chia chác đồng đều. Mọi người đều có phần của mình. Không ai được quyền tự cung cấp cho mình. Mấy người hãy coi đó làm gương và từ bỏ thói hư tật xấu của mấy người đi!”
Tên lính Khờ-Me đỏ thốt những lời ấy, cũng trạc tuổi với 2 em vừa bị nó bắn chết chỉ vì vài quả xoài con! Tôi cảm thấy dường như mọi người hiện diện đều muốn nói: vài quả xoài không đáng gì để kết liễu 1 lúc 2 mạng người còn son trẻ, nhưng ai cũng ngậm miệng làm thinh, mặc dù lúc ấy chẳng có bao nhiêu quân Khờ-me đỏ. Chúng chỉ có khoảng vài ba mươi người để săn đoàn người đông đảo đến hàng ngàn nhân mạng! Dân Căm-Bu-Chia vốn là 1 dân tộc vừa thụ động lại vừa dễ bị kích thích. Khi gặp tai nạn, họ dễ dàng tuân phục và đổ thừa tất cả cho số mệnh đã an bài. Nhưng một khi chiến thắng, có quyền hành trong tay, họ lại hồ hởi quá trớn đều mất tự chủ, làm những điều không ai tưởng tượng được!

12. GIAI ĐOẠN CHÓT?
Lương thực đem theo của đoàn người di tản đã bắt đầu cạn dần. Nhưng sau khi đã chứng kiến cái chết vì mấy trái xoài của 2 em nhỏ, không ai dám nghĩ đến chuyện tự túc thực phẩm nữa. mặc dù dưới hồ, nước trong vắt đầy những cá tôm, ếch, nhái.
Những người di tản đem theo xe cộ, chở được nhiều gạo muối đã bán ra với giá cắt cổ. Trong nách họ mang kè kè những túi đựng đầy tiền bạc. Có người đã phải cởi quần áo đổi lấy thức ăn. Trong khi đó, anh em tôi chỉ còn đủ cơm ăn trong 1 ngày nữa là hết. Lan-Thi đã phải tháo chiếc nhẫn kim cương của nàng đem đổi lấy 10 kí-lô gạo và ít muối hột. Trong khi anh em tôi đi đổi gạo, bất ngờ chúng tôi đã gặp lại vị sư già, trên 70 tuổi, trụ trì ở chùa Botum Waddey, mà trước đây gia đình chúng tôi vẫn thường đến đó lễ bái. Vị sư già này đang hấp hối vì đã kiệt sức và đói khát giữa làn sóng người đông đảo. Vài giờ sau, chúng tôi thấy xác của vị sư đã được bó trong một manh chiếu cũ, rách bươm. Đây là 1 đặc ân hiếm hoi đã diễn ra trong lớp người di tản.
Hôm sau, ngày 25-4, đoàn người trở nên vô cùng hỗn loạn vì bệnh dịch tả đã phát hiện và lan tràn nhanh chóng như 1 vết dầu loang. Lúc đầu chỉ có vài người. Ngày hôm sau con số bệnh nhân truyền nhiễm đã lên đến hàng trăm. Thân nhân và bạn bè những người bệnh sợ bị truyền nhiễm đã tránh xa họ, để họ nằm trơ trọi chờ tử thần đến rước đi.
Đến ngày 28-4, đoàn người được lịnh tiếp tục di chuyển, để lại thêm nhiều đống lớn tử thi, chất ngổn ngang chung quanh chùa. Xương và sọ người chết đang tan rữa cũng phơi đầy trên sân cỏ, lẫn trong những bụi hoa nhiều màu tươi đẹp! Đoàn người đi đến đâu mùi tử khí và mùi dịch tả vẫn quyện theo. Nhưng may sao, chiều hôm đó trời lại giáng xuống cho một trậm cuồng phong tiếp theo là một cơn mưa lũ, tẩy sạch phần nào không khí ô nhiễm nặng mùi dịch tả.
Khi đoàn người sắp đến Prek Kdam, tôi thấy 1 phụ nữ tay ôm đứa con sơ sinh đã chết, đi cùng với người chồng đang ẵm 1 đứa bé gái đôi chân bê bết máu. Thần sắc cả hai vợ chồng đều đã khác thường. Bên cạnh họ là 1 đứa bé trai khoảng 6 tuổi. Bỗng thình lình, người chồng bước đến trước mặt 1 tên Khờ-Me đỏ hét to lên:
- “Quân dã man, tàn bạo! Coi con tao nè! Chúng mày hãy giết tụi tao luôn đi. Tụi tao không muốn sống nữa. Hãy giết tụi tao luôn đi!”. Tiếng gào thét đầy căm phẫn và tuyệt vọng của hắn đã bất ngờ làm cho tên lính trẻ con Khờ-Me đỏ giật mình sợ hãi. Nó không biết phải đối đáp và cư xử như thế nào với người đàn ông ấy, liền chạy vội đi tìm tên chỉ huy, báo cáo:
- “Đồng chí chỉ huy ơi! Đến đây ngay. Có kẻ đến chọc quê tụi em và nói nó muốn chết nè!”.
Tên chỉ huy vội chạy đến, xông vào lôi hết gia đình nhà đó ra khỏi hàng, dẫn đến tận mô đất bên đường, nổ 2 loạt súng. Người đàn ông gục ngã, trên tay vẫn con ẵm đứa con gái đã bị trúng đạn thủng hết cả người. Người vợ ngã đè lên xác chồng, trên tay vẫn cố giữ chặt xác đứa bé so sinh không cho rớt ra. Đứa bé trai không trúng đạn, đang cố chạy trốn, nhưng vẫn bị tên chỉ huy bắn đuổi theo cho đến chết.
Thi hành xong thủ đoạn sát nhân tàn nhẫn, hắn quay lại đoàn người đang dừng chân ngơ ngác, quát tháo ra lệnh:
- “Đi tới! Đi tới! Mau lên! Chúng mày muốn sống hãy coi chừng! Đứa nào muốn chết, dễ lắm!”
Bấy giờ vào khoảng 4 giờ chiều, khi chúng tôi đang trên đường tiến đến Prek Kdam, trạm cuối cùng của cuộc di tản đẫm máu và nước mắt. Sau lưng chúng tôi, cách 30 cây số, là Thủ đô Nam-Vang, một thành phố mỹ-lệ, khang trang, nổi danh trù phú, mà giờ đây đã hoàn toàn vắng bóng người dân cư ngụ. Nam-Vang đã trở nên 1 thành phố của TỬ-THẦN ngay khi Khờ-Me đỏ chiếm đóng.
13. NÔNG TRƯỜNG TRONG RỪNG THẲM: ĐỊA NGỤC CỦA TRẦN GIAN!
THỦ ĐOẠN THÂM ĐỘC VÀ TÀN BẠO CỦA KHỜ ME ĐỎ.

Ngày xưa, Prek Kdam là 1 tỉnh lỵ sầm uất, tấp nập, vì nó nằm ngay bên bờ sông Tonlé Sap, lại còn là trục giao thông chính yếu, nối liền các quốc lộ số 5 và số 6 dẫn đến các thị trấn lớn như: Kompong Thom, Siemreap, Kompong Chhnang, Pursat và Vựa lúa vĩ đại của Dân Căm-Bu-Chia là Battambang. Các loại xe cộ lưu thông từ miền Bắc qua miền Đông lên, xuống đó tấp nập suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ.
Khi đoàn người lưu đầy đến đây, chúng tôi thấy 2 bên bờ sông, chỗ bến phà, xe vận tải quân sự đủ loại, của Mỹ bỏ lại và của Trung Quốc sản xuất, đậu từng hàng dài nối đuôi nhau. Đoàn lưu đày chúng tôi bị chia ra làm 3 nhóm, đi 3 hướng khác nhau. Đến bây giờ tôi mới hiểu, tại sao bọn Khờ-Me đỏ đã không đem những chiếc xe vận tải nầy về Nam-Vang để di tản quần chúng đi cho mau lẹ và đỡ chết chóc dọc đường. Trước hết, cơ quan y tế của chúng ở địa phương vừa được thiết lập cách rất vội vàng, không đủ khả năng đón nhận một số đông người già yếu bịnh tật trong các nhà thương ở thủ đô đã bị cưỡng bách di tản. Bởi thế, chúng đã lợi dụng 30 cây số đường trường để giết bớt những người này cho rảnh tay và rộng chỗ, lại đỡ tốn thực phẩm phải nuôi dưỡng một khi đến đích.
Một tốp người được chuyển về hướng Đông, đi theo quốc lộ số 6, đến thị xã Skoun, rồi từ đây sẽ rẽ vào quốc lộ số 7 đến tỉnh Kompong Cham. Lan-Thi và tôi thuộc nhóm này. Nhưng chúng tôi phải ở lại chờ đến ngày 3 tháng 5 mới được di chuyển. Một nhóm khác, cũng đi theo quốc-lộ số 6, nhưng ngược về hướng Bắc, đến tỉnh Kompong Thom. Còn nhiều người khác không phải qua sông, được áp tải về phía Tây Bắc, đến các tỉnh Kompong Chhnang, Pursat và Battambang. Sự chia nhóm này đã diễn ra rất bất ngờ và hoàn toàn do quyết định độc đoán của bọn Khờ-Me đỏ lãnh nhiệm vụ áp tải. Không ai được phép hé môi ngỏ một tiếng nói nào!
Chúng tôi là những người may mắn nhất đã được di chuyển bằng xe vận tải. Còn tất cả đều phải tiếp tục đi bộ.
Trong thời gian chờ đợi lệnh di chuyển, chúng tôi được hưởng phần nào thong thả, để đi lanh quanh trong vòng thị xã Prek Kdam kiếm thức ăn và tìm chổ nghĩ ngơi. Lan-Thi và tôi cùng một số ít người khác đã may mắn tìm được chổ trú chân trong một chòi lá bỏ hoang. Những người khác thì phải nằm ngồi rải rác ngay bên bờ sông, trên nền đất, dưới những tấm chiếu rách hay những tấm ni-lông căng tạm lên để che mưa đỡ nắng.
Ngày 29-4, tất cả xe hơi tư nhân và các loại máy thâu thanh mà đoàn người di tản đem theo đều bị sung công. Hôm sau, bọn Khờ-Me đỏ ra lịnh không xài tiền nữa. Tất cả các loại tiền giấy đều trở nên vô giá trị và phải đốt bỏ lập tức. Nhiều người đã dùng tiền thay củi để nấu cơm ăn. Dù vậy, cho đến ngày hôm nay đoàn người lưu đày vẫn không được phát hột gạo nào. Dân lưu đày phải tìm cách xoay sở lấy miếng ăn thức uống, để sống lây lất qua ngày, chờ đợi 1 cuộc đổi mới!

14. NẰM VÙNG VÌ LÝ TƯỞNG HÒA BÌNH
Một buổi chiều nọ, tôi và Lan-Thi đã thừa cơ được chút thong thả, lội bộ dọc theo bờ sông, đi xa khỏi đám người đông đảo hỗn tạp. Đây là lần đầu tiên anh em tôi được tự do cầm tay đi bên nhau, chuyện trò tâm sự mà không sợ bị ai nghe lóm. Lan-Thi khởi sự công kích tôi.
- “Em đã nói rồi mà! Em đã biết trước thế nào những chuyện như vầy cũng sẽ xảy ra, nhưng anh đâu thèm nghe. Anh cứ khăng khăng cho rằng khi nào hòa bình đến thì ông hoàng Sihanouk sẽ trở về cai trị như cũ. Đã bao nhiêu lần em báo động cho anh biết rằng tụi Khơ-me Đỏ chỉ là 1 lũ sảo trá, điếm đàng. Những gì chúng nói và hứa hẹn chỉ là những mánh khóe tuyên truyền bịp bợm thôi. Bây giờ sự thực đã hiện ra trước mắt rồi. Mọi người đều câm nín. Còn anh, anh nói sao?”.
Tôi cảm thấy bị tổn thương nặng nề, vì trước đây, khi còn ở Nam-Vang tôi đã từng hoạt động cho “cánh tả”, và đã tham gia nhiều cuộc biểu tình của sinh viên chống chánh phủ Lon Nol. Tôi đáp:
- “Phải rồi, anh cũng như nhiều người khác đã sai lầm, tin tưởng vào những lời tuyên truyền hòa bình ngon ngọt của Khờ-Me đỏ. Thực sự, anh không ngờ những chuyện như thế này có thể xảy ra, làm anh vô cùng xúc động và kinh ngạc. Anh không dè bọn Khờ-Me đỏ lại tàn ác và dã man đến khủng khiếp như vậy. Nhưng đây chưa phải là 1 lỗi lầm duy nhất. Anh còn phạm nhiều lỗi lầm nghiêm trọng hơn thế, mà anh nghĩ tiện dịp này cần phải nói luôn cho em biết, kẻo rồi không bao giờ có dịp anh kể cho em nghe nữa. Anh hy vọng rằng em sẽ hiểu anh và sẵn lòng tha thứ cho anh. Anh muốn kể cho em biết sự thực anh đã tham gia như thế nào trong các tổ chức hoạt động... “hòa bình” cho Khờ-Me đỏ, với mục đích sớm chấm dứt chiến tranh ở Căm-Bu-Chia”.
Lan-Thi tỏ vẻ rất nôn nóng, nhưng tôi không để nàng cướp lời. Tôi nói tiếp:
- “Chắc em còn nhờ thằng Tép Sút chứ gì? Thằng sinh viên đã bị đuổi khỏi trường vì hoạt động “cách mạng” đó!”.
- “Có biết. Em nhớ thằng đó rồi. Sao, ý anh muốn nói gì?”. Lan-Thi đáp.
- “Chính nó đã đưa anh vào 1 tổ chức, mà một khi những ai đã tham gia rồi, thì không thể nào còn đường rút lui nữa. Phải hoạt động cho chúng đến ngày chết!”
- “Anh nói cái gì? Anh đã tham gia vào tổ chức gì vậy?”
- “Nó đã giới thiệu anh vào 1 ủy ban... “cách mạng”!”
- “Trời Phật ơi! Em mong rằng đó chỉ là chuyện đùa!”
- “Không! Chẳng phải chuyện đùa đâu. Đó là chuyện sinh tử. Em biết không? Tụi Khờ-Me đỏ đã xây dựng những tổ-chức “nằm vùng”, làm gián-điệp và tiếp vận cho bọn chúng ngay trong hàng ngũ chánh phủ và nhân dân theo ông hoàng Sihanouk”.
- “Trời ơi, ghê quá đi mất! Tại sao anh có thể làm như vậy trong khi ba đang chiến đấu trong hàng ngũ quân đội của chánh phủ?” Lan-Thi giận run lên hỏi tôi.
- “Em hãy bình tĩnh để cho anh tiếp tục kể hết đầu đuôi đã nào. Anh vẫn biết làm như thế tức là đã phản bội lại những người thân thương. Anh đã gia nhập vào ủy ban ấy từ năm 1973, khi Việt Nam vừa rút quân ra khỏi Căm-Bu-Chia. Lúc đó, anh nghĩ người Căm-Bu-Chia đã chém giết nhau cách thật là vô lý. Nhưng chiến tranh ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Thường dân vô tội chết càng nhiều hơn. Anh muốn làm 1 cái gì để sớm đem lại hòa bình cho đất nước. Nhưng chánh phủ Lon Nol thì chỉ lo vơ vét tiền bạc, tham nhũng. Anh đành phải hoạt động theo lời mời gọi của phe bên kia, mà lúc đầu anh tin rằng họ thực sự yêu nước thương dân, muốn sớm chấm dứt chiến tranh cốt nhục tương tàn.
Đến năm 1972, quần chúng đã kiệt quê và chán chường lắm rồi. Không mấy người còn muốn ủng hộ Lon Nol để theo đuổi công cuộc chiến đấu tiêu diệt cộng sản nữa. Tình hình kinh tế ngày càng suy sụp. Dân chúng đói khổ, thiếu thốn. Các thày giáo và công chức đã phải đi làm thêm ban đêm, bằng cách đạp xe xích lô, để kiếm tiền về nuôi gia đình. Gạo thóc và thực phẩm do các cơ quan nhân đạo quốc tế gửi đến cứu trợ dân Căm-Bu-Chia đã bị bọn tham nhũng đem bán lại cho bọn gian thương người Tàu, để bọn này đầu cơ bán ra với giá cắt cổ dân.
Lúc đó chỉ có những người trẻ mới còn nghĩ đến tương lai đất nước, nhưng lại không thể cộng tác với chế độ tham nhũng Lon Nol.
Tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống rất thấp, vì bọn sĩ quan đã biển lận tiền lương của họ, bỏ vào túi tiêu riêng. Bọn chánh khách thì hèn nhát xu nịnh bọn quân đội chia ra làm nhiều bè phái hỗn độn. Đám thì theo Lon Nol, đám chạy theo Sơn-ngọc Thành, đám khác chạy theo Hang-Thun-Hak, Sirikmatak và Ung-Bun-Hor. Bọn chúng ngầm giết lẫn nhau. Em còn nhớ, vào khoảng tháng 6-1974, 2 bộ trưởng trong chánh phủ tên Keo-Sang-Kim và Thạch-Chea đã bị giết chết cách thê thảm như súc vật. Bọn cầm quyền cao cấp đã đua nhau tranh cướp đô-la Mỹ...”
- “Những cái đó em biết rồi. “Lan-Thi ngắt lời”. Nhưng bọn Khờ-Me đỏ này thì sao? Bọn chúng còn tồi tệ, dã man gấp triệu lần. Bọn này tàn ác, độc địa chưa từng thấy trong trời đất. Trước kia, bọn Lon Nol đã tham nhũng, nhưng dân chúng còn được tự do. Đó là điều quan trọng nhất”.
- “Anh hoàn toàn đồng ý với em. Anh không có ý bào chữa gì cho những hành động dã man, vô nhân đạo của bọn Khờ-Me đỏ. Anh chỉ muốn giải thích để em rõ vì sao trước đây anh đã hoạt động cách mạng, chẳng qua chỉ vì quá yêu chuộng “hòa bình”. Thế thôi! Nhưng em hãy tin rằng, ngày nào anh còn sống anh sẽ tiếp tục tranh đấu mãi cho hòa bình của dân tộc”.
Bất chợt Lan-Thi tò mò hỏi:
- “Trong thời gian qua, anh đã làm những gì cho bọn Khờ-Me đỏ. Anh kể rõ nghe coi!”
- “Chẳng có gì quan trọng lắm! Anh chỉ gia nhập vào 1 toán nhỏ, lo việc cung cấp thuốc men, vật dụng y tế cho bọn chúng thôi”.
- “Em không thể nào ngờ được rằng anh đã hoạt đồng cho bọn Khờ-Me đỏ. Như vậy, tại sao anh đã không làm 1 việc gì để cứu ba má và chị Hai?”
- “Những gì diễn ra em đã thấy đó. Nếu anh được biết trước Nam-Vang sẽ phải di tản thì anh đã tìm cách gom gia đình lại rồi. Anh chỉ được lệnh vắn tắt: ngày nào Nam-Vang được giải phóng thì anh phải đến trình diện tại 1 cơ quan chánh quyền dân sự, chứ không được trình diện với cơ quan quân sự.
Từ hôm 17 đến nay, em có thấy 1 cơ quan nào gọi là dân sự không? Hôm nọ, lúc em đang ở trong nhà lo sửa soạn lương thực đem theo cho cuộc di tản, anh đã cố tìm cách trình bày vấn đề với 1 tên lính Khờ-Me đỏ, cho nó biết bí danh và mật số, ám hiệu của anh. Tên lính Khờ-Me đỏ này móc trong túi ra 1 tờ giấy, liếc nhanh qua, rồi trả lời cộc lốc rằng tên anh không có trong danh-sách. Anh tin rằng thằng này chỉ làm bộ đọc, chứ nó không biết chữ. Bây giờ chúng ta đành phải đợi đến Kompong Chàm xem sao. Anh hy vọng rồi đây công việc sẽ tiến triển tốt đẹp. Anh sẽ cố gắng tìm mọi cách để trình bày với 1 cơ quan dân sự.
- “Bằng cách nào anh có thể chứng minh cho bọn chúng tin rằng anh đã hoạt động cho chúng?” Lan-Thi hỏi.
- “Anh có chứng-minh-thư, do chính hoàng thân Phurissara đích thân ký”.
- “Anh có đem theo đây không?” Lan-Thi lo lắng hỏi.
- “Có, anh có đem theo. Anh đã bọc nó kỹ, và giấu kín trong lưng quần”.
Tôi nới giây nịt, lần tay vào lưng quần bên hông trái, dùng ngón tay trỏ móc ra 1 cái túi ni-lông nhỏ. Tôi cẩn thận lấy tấm chứng-minh-thư cất kỷ trong đó ra, đưa cho Lan-Thi coi. Trên góc cao bên trái tờ giấy có hàng chữ in tiêu đề: “MẶT TRẬN LIÊN-HIỆP QUỐC-GIA CĂM-BU-CHIA”, thành lập ngày 5-5-1970. Đây là 1 tổ chức chánh trị liên kết các thành phần cộng sản theo Khờ-Me đỏ và theo ông hoàng Sihanouk. Dưới chót, góc bên phải tờ giấy có ghi chức vụ chủ tịch của tổ chức, chữ ký, và ngày ký (12-1-1973), cùng một con dấu đỏ choét.
Trong cái nhìn đau buồn của Lan-Thi, tôi thấy thoáng lộ tia hy-vọng. Em tôi nghĩ rằng số phận của chúng tôi hiện đang tùy thuộc vào mảnh giấy nhỏ bé ấy. Nhưng chỉ giây lát thôi. Một ý nghĩ khác đã lóe lên trong trí nằng. Nàng trao tờ giấy lại cho tôi và nói:
- “Anh không nên nói cho ai biết chuyện này. Nếu chẳng may 1 người nào trong đám dân lưu đày biết được, chắc chắn họ sẽ không tha thứ cho anh. một kẻ đã nằm vùng, phản bội lại họ. Họ sẽ giết anh chết đó!”
- “Dĩ nhiên! Anh đâu có ngu đến thế. Anh hy vọng chứng-minh-thư này không chừng sẽ giúp chúng ta đỡ khổ hơn chút đỉnh”.
- “Im đi! Em không muốn nghe anh nói nữa. Sao anh lại có thể nghĩ được như vậy? Em không thể nào đứng vào hàng ngũ bọn chúng khi chúng đối xử với nhân dân còn tệ hơn với súc vật. Hơn thế nữa, kể từ khi thấy được bộ mặt thật tàn ác, vô nhân đạo của chúng rồi, em không còn muốn sống trên mảnh đất này nữa!”
- “Em không để cho anh hết lời. Anh cũng đâu muốn sống chung với bọn quỷ đỏ ấy, trong cảnh địa ngục trần gian này”.
- “Vậy hả? Em xin lỗi. Bây giờ em mới hiểu, Nhưng anh đã nghĩ và tính những gì, nói em nghe coi”.
- “Trước hết, bằng mọi cách, chúng ta phải cố duy trì mạng sống, để rồi sau đó mới tìm tự do. Dĩ nhiên muốn đạt được mục tiêu ấy, chúng ta chỉ còn trông cậy vào mảnh giấy chứng-minh-thư này. Chúng ta phải đóng kịch thật khéo để bọn Khờ-Me đỏ tin chắc chúng ta cũng là những thành phần “cách mạng” ngon lành như chúng, kể cả việc phải ngửi cái mùi chủ thuyết thối tha của chúng nữa”.
- “Anh nên biết rằng chúng ta sẽ bị tẩy não, và có thể còn bị bắt buộc phải thi hành lệnh giết người của chúng nữa!” Lan-Thi nói.
- “Anh không tin bọn Khờ-Me đỏ có chương trình tẩy não như ở Nga hay ở Tàu. Em không thấy bọn lính Khờ-Me đỏ ấy hay sao? Bọn chúng có lý tưởng gì đâu. Chúng chỉ được dạy bắn giết để trả thù vu vơ. Thế thôi! Điều cần yếu là chúng ta làm thế nào để khỏi bị đồng hóa với chúng, nhưng vẫn được chúng tin cậy, cho anh em ta được hưởng chút tự do, để có thể đi kiếm má và chị Hai. Khi gia đình đã đoàn tụ lại, chúng ta sẽ tìm đường trốn sang Thái-Lan...”
- “Nhưng chúng ta sắp bị giải đến Kompong Chàm, nằm kề Việt Nam”
- “Chúng ta sẽ không trốn qua Việt-Nam. Bằng mọi giá phải qua Thái-Lan”.
Bỗng Lan-Thi đổi giọng, vẻ mặt lo lắng và đỏ bừng vì mắc cở. Nàng rụt rè nói:
- “Em có điều này muốn nói với anh...”
- “Em cứ nói đi. Đừng ngại gì!”
- “Em nghĩ chúng mình phải đóng vai... vợ chồng!
Em để ý thấy bọn Khờ-Me đỏ nhìn em cách kỳ cục lắm. Em sợ...”
Nghe nàng nói, tôi bật cười, nhưng thông cảm sâu xa ý nghĩ ấy. Tôi nói:
- “Đề nghị của em nghe hợp lý đấy. Dù sao cũng tránh cho chúng ta, nhất là em, được nhiều bất trắc sau này”.
- “Vậy chúng ta nên đổi ngay cách xưng hô mới được”. Lan-Thi nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét