Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Đời người dưới chế độ Khơ Me Đỏ - Phần 4

15. CÁI VÁY NGẮN QUÁ!
Sáng ngày 3 tháng 5, đoàn lưu đày chúng tôi lại tiếp tục lên đường, dùng phà qua bờ sông bên kia, rồi leo lên những chiếc xe vận tải nhà binh, mui trần, hiệu Molotov của Tàu di chuyển tiếp. Nhưng vì đêm qua trời đã mưa to, nên đường xá xình lầy trơn trợt, rất khó di chuyển. Đi bộ thì té lên té xuống, giày dép bị xình non có chất đất sét bám chặt, không rút lên được. Xe hơi bị lún bánh lại thêm chở nặng, không sao nhúc nhích. Chúng tôi phải xuống xe phụ lực đẩy cho xe vượt qua quãng đường khó khăn ấy. Đến khoảng 8 giờ, đoàn xe mới từ từ lăn bánh khởi hành. Lan-Thi ngồi kế bên 1 thiếu nữ, mà cách ăn mặc cùng dáng điệu bên ngoài đã tố cáo nàng thuộc loại gái làng chơi. Trên khuôn mặt mỏi mệt, dã dượi, vẫn còn vương màu son phấn. Cặp lông mày và lông mi bôi đen, giờ đây vì lăn lóc đường trường gian khổ đã nhoe nhoét, lem luốc. Những ngón chân và ngón tay nàng vẫn còn nguyên màu son đỏ thắm. Tệ hại nhất là cái váy của nàng quá ngắn hoàn toàn không thích hợp với tình huống hiện hữu, đã khiến mọi người đều phải chú ý và cảm thấy khó chịu. Chắc có lẽ vì quá vội vàng di tản nên nàng đã không kịp thay đổi y-phục?
Trước mắt nàng là 2 tên lính Khờ-Me đỏ, tuổi còn con nít, có vẻ mắc cở, ngồi cứng đơ không dám ngó ngay nàng. Ngược lại, kế bên có một con bé Khờ-Me đỏ, ngồi nhìn nàng không chớp với cặp mắt tưởng chừng như tóe lửa mà nàng không hề hay biết.
Đoàn xe chở tù nhân lưu đày lăn bánh chậm chạp trên con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh, đầy hang lỗ và ổ gà, tiến về phía Tây Bắc, trên quốc lộ số 7 đến Kompong Chàm. Khi chỉ còn vài cây số nữa thì đến Bathey, đoàn xe ngừng lại dọc đường và mọi người được lịnh phải xuống xe. Con đường đã bị những hố bom sâu, lớn cắt đứt ngang, xe không thể nào qua được, phải chạy vòng vào ruộng lúa, rồi mới trở ra tiếp tục lộ trình.
Khi Lan-Thi vừa dợm đứng lên để bước xuống xe, con bé lính Khờ-Me đỏ chợt quát to ra lịnh:
- “Tên kia! Hãy đi theo ta!”
Lan-Thi hoảng vía, hỏi:
- “Tôi hả?”
- “Không phải mày. Con kia!” Con bé lính Khờ-Me đỏ nói.
- “Có phải tôi không, đồng chí?”. Cô gái làng chơi hỏi.
- “Đúng! Chính mày! Hãy đi theo ta!”
Mọi người lật đật xuống xe, đi vòng trong ruộng lúa, qua miệng hố bom để đến bên kia mặt đường. Con bé lính Khờ-Me đỏ và cô gái làng chơi đã khuất bóng trong ruộng lúa và sau những lùm cây dại mọc um tùm. Trong không gian yên tĩnh bỗng vang lên một tiếng súng nổ khô khan. Đoàn người lưu đày giật mình kinh hãi, thầm đoán chuyện gì vừa mới xảy ra. Sau đó, con bé lính Khờ-Me đỏ lầm lì quay trở lại, trước những cặp mắt đang đổ dồn, chăm chú nhìn vào đó, như nhìn con quái vật đáng ghê sợ.


16. ĐÔI VỢ CHỒNG GIẢ MẠO
Lúc bấy giờ vào khoảng gần 9 giờ sáng, đoàn xe lại sắp sửa lăn bánh dưới bầu trời nóng hầm rất khó chịu. Trên xe mỗi người đều ngồi im thin thít, chỉ trừ những tiếng khóc rấm rứt của lũ trẻ thơ khờ dại, không biết gì. Tôi để ý thấy mấy người đàn bà đang lo lắng cúi xuống lén cao những dấu sơn trên móng tay. Từ đó, tôi thấy 2 bên đường cảnh đổ nát điêu tàn vì chiến tranh, bom đạn, đã diễn ra thật khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng của con người. Không một mái nhà nào còn nguyên vẹn. Có những mái tranh còn cháy dở dang. Mặt đất loang lổ, dấu bom đạn chằng chịt như tổ ong. Trên mặt đất, trong đồng ruộng hoang vu, xương trắng và sọ người chết phơi lăn lóc, rải rác khắp đó đây.
Đoàn xe chậm chạp lăn bánh giữa cảnh chết chóc điêu tàn. Chúng tôi đi qua những thị xã lớn, mà ngày xưa rất trù phú, tấp nập dân cư, như: Skoun và Prey Chhor, nay chỉ còn là những thành phố chết hoang vắng tiêu điều.
Con đường chúng tôi đi, vì đã lâu ngày không xử dụng và không người săn sóc, cỏ dại mọc đầy, tràn ngập hết mặt đường. Đoàn xe lăn bánh cách vô cùng vất vả, nhồi chúng tôi lắc lư đến mệt nhoài. Đến khoảng 1 giờ trưa, chúng tôi được lịnh xuống xe, tìm chổ nấu ăn ngay giữa vùng đồng ruộng hoang vắng. Anh em tôi tìm chổ ngồi núp nắng dưới một gốc cây chồi. Trong khi ngồi ăn, tôi suy nghĩ miên man về đề nghị “vợ chồng” của Lan-Thi hồi còn ở Prek Kdam. Tôi thấy vấn đề không giản dị như thế được. Bọn Khờ-Me đỏ rất đa nghi. Chúng tôi cần phải tạo dựng vấn đề này trên một căn bản thật vững chắc, hợp lý, để khỏi lộ tẩy mà mất mạng. Tôi nói với em tôi:
- “Em à, nếu chúng mình giả làm vợ chồng, anh thấy em cần phải nghĩ ra 1 câu chuyện có mạch lạc hẳn hoi. Em phải có 1 lý lịch khác? Gia-đình và thân thuộc gồm những ai? Tuyệt đối, em không thể còn là cô bé Lan-Thi, con gái của đại tá Sơn-Kha nữa. Em biết không?”
- “Chết chưa, em đã sơ ý quá! Em không bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. May mà anh đã kịp nghĩ đến, không thì nguy cả đám. Khi đến Kompong Chàm, tụi nó cật vấn là lòi ra ngay”. Em tôi nói.
- “Em có người bạn gái thân nào không? Cần nhất là người đó đã rời khỏi nước và em đã biết lai lịch gia đình ấy thật đầy đủ chi tiết mới được?”
- “Có, để yên, em suy nghĩ chút coi!”
Nuốt vội xong miếng cơm cuối cùng, Lan-Thi nói:
- “Bây giờ em đã nghĩ ra rồi! Em có 1 con bạn đã theo gia đình đi qua Pháp ở từ năm 1972. Nó tên là Liên họ Sơn, con gái độc nhất của ông bà Sơn Lang, cựu công chức bộ Lao-động. Em cũng quen biết cả ba má nó nữa. Vậy, bây giờ em là: Sơn-Liên nhé!”
- “Em biết cô ta năm nay bao nhiêu tuổi không?”
- “Biết chứ!”
- “Anh hỏi em chỉ vì anh sợ, mình nói láo đôi khi có những điều trái ngược nhau bất ngờ, rất nguy hại. Em cần cho anh biết rõ tuổi của cô ấy cùng với tuổi của ba má cô ta nữa. Vì chẳng lẽ anh không biết tuổi vợ và cha mẹ hay sao?”
- “Để em nhớ lại coi nào! Ông Sơn Lang năm nay 50 tuổi, bà ấy 45 tuổi. Còn em, tên Liên sanh năm 1953. Nó cùng 1 tuổi với em. Nó sanh vào tháng 3, còn em sanh tháng 5. Ngày sanh thì chúng ta cứ giữ như cũ, không thay đổi”.
- “Còn 1 điều quan trọng hơn hết thảy nữa là: ngày đám cưới!”
- “Chúng ta cứ nói là vợ chồng mới lấy nhau, nên chưa có con. Về ngày cưới, em nghĩ phải chọn ngày nào cho thật dễ nhớ mới được!”
- “Không được! Chúng mình phải chọn 1 ngày trong khoảng các tháng gần đây nhất như: tháng 11, tháng 12, hoặc tháng giêng...?”. Tôi nói.
- “Anh có lý! Chúng ta đồng ý chọn ngày 30 tháng 11 nhé!”. Lan-Thi đề nghị: “Như vậy cho dễ nhớ, anh nhỉ?!”
Anh em tôi thảo luận kỹ càng, trao đổi nhau từng chi tiết tỉ mỉ về gia cảnh mới của Lan-Thi, tưởng chừng bọn Khờ-Me đỏ ngu dốt, bạo tàn không thể nào khám phá ra được. Chúng tôi yên chí, nghỉ ngơi chờ lịnh tiếp tục lên đường.
17. NÔNG TRƯỜNG LAO ĐỘNG CẢI TẠO
Sáng hôm sau đoàn người lưu đày bị áp giải đến một thị xã biệt lập, nằm sâu trong thôn vắng, giáp rang vùng rừng già rậm rạp mênh mông. Tôi và Lan-Thi nhận ra ngay đây là một nông trường lao động cải tạo rập khuôn của bọn Khơ-me Đỏ. Nhà cửa đều làm bằng tre và lợp lá. Gọi là nhà cho nó oai, chứ thực ra chỉ là những túp lều tranh đơn sơ, cái nào cũng như cái nấy, chu vi không quá 4 thước vuông.
Lan-Thi ghé tai tôi thì thầm:
- Nếu bọn họ cho tụi mình 1 cái lều này để ở thì sướng quá nhỉ!
- Sức mấy! Em không thấy tất cả đều đã có người chiếm ngụ rồi hay sao? Tôi đáp và lòng không khỏi bâng khuâng tự hỏi, rồi đây chúng tôi sẽ cư ngụ nơi nào và đời sống ra sao?
Khoảng 9 giờ, viên chỉ huy nông trường (tiếng Căm-Bu-Chia gọi là: Kamaphibal) đến cùng với một đoàn cận vệ đông đảo, võ-trang tới tận răng. Hắn vừa là người điều khiển guồng máy hành chánh của nông trường, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ chỉ huy quân sự của toàn khu vực. Chúng tôi im lặng đứng yên, không ai dám nhúc nhích. Hắn bắt đầu lên tiếng, giọng khô khan, sặc mùi tuyên truyền rỗng tuếch. Cuối cùng, hắn mới đi thẳng vào vấn đề cụ thể mà mọi người đều nóng lòng muốn biết:
- Các người phải cám ơn Angkar đã cho các người sống và được vinh hạnh tham dự vào công cuộc tái thiết đất nước. Các người phải làm việc và sản xuất, sản xuất và sản xuất... Kẻ nào không làm được gì sẽ không được ăn. Trong xã hội cách mạng, không có chổ cho bọn lười biếng. Trong khi chờ đợi kết quả mùa gặt tới, bây giờ tạm thời Angkar phát gạo cho mấy người ăn. Dụng cụ các người được mượn của nông trường. Angkar cho mấy người 14 ngày để dựng lấy lều mà ở. Không được lớn quá 4 mét vuông. Những ai không có gia đình phải dựng lều nhỏ hơn. Vật liệu là cây, tre và lá dừa mấy người có thể tự tìm kiếm lấy trong khu rừng gần đây của nhân dân. Nhưng nên nhớ rằng: ở đây không có cái gì thuộc tư hữu của mấy người mà là của nhân dân tất cả.
Angkar cũng cho phép mỗi người được quyền khai khẩn 15 mét vuông rừng hoang. Sau khi đã dọn sạch đất, mấy người được trồng cấy ngay, chậm lắm vào cuối tháng 6, trước mùa mưa đến, để kịp gặt hái mùa năm tới. Thời giờ làm việc sẽ theo mặt trời mà tính. Khởi sự lúc mặt trời mọc và chấm dứt công việc khi mặt trời lặn. Buổi trưa từ 12 giờ đến 2 giờ các người được tạm nghĩ để ăn trưa.
Về quần áo, mỗi năm, một người được phát 1 bộ đồ đen. Nhưng bây giờ trong lúc tạm thời, các người có thể cứ dùng đở mấy bộ đồ màu mè tàn tích của bọn Đế quốc. Từ ngày mai, tất cả thanh niên nam nữ đều phải cắt tóc ngắn. Các sư sãi phải cởi bỏ áo vàng và mặc đồ đen ngay.
Ngay sau đây, các người lớn phải đến văn phòng trại nhận mẫu đơn khai lý lịch. Có 3 loại: thứ nhất dành cho cựu-quân-nhân, thứ nhì cho công chức, thứ ba là cho các loại quần-chúng như: buôn bán, thợ, nông dân, sinh viên, học sinh, sư sãi.v.v... Tất cả đều phải khai đúng lý lịch và tiền tích. Kẻ nào khai gian sẽ bị xử tử hình lập tức. Sau đó đem nộp lại cho chánh quyền cách mạng của trại. Bây giờ mấy người hãy theo tôi hô to khẩu hiệu:
- Hoan hô cách mạng! Hoan hô!
- Đả đảo đế quốc và tay sai! Đả đảo!
Lát sau đoàn người lưu đày đã xếp hàng dài trước văn phòng trại để nạp tờ khai lý lịch. Khi đến lượt, tôi yêu cầu tên lính gác cho tôi được gặp mặt Kamaphibal. Tên lính cật vấn:
- Tại sao mày đòi gặp Kamaphibal? Mày tưởng ai cũng được phép làm rộn Kamaphibal sao?
Tôi cố bình tĩnh nói:
- Tôi có điều quan trọng cần thông báo đến Kamaphibal, thưa đồng chí!
- Được rồi! Theo ta!.
Nói xong hắn dẫn 2 anh em tôi đến văn phòng của viên chỉ huy. Tôi vội trình bày lý do tôi xin trình diện và đưa ra tờ chứng-minh-thư “nằm vùng” của tôi, do MẶT TRẬN LIÊN-HIẾP QUỐC-GIA CĂM-BU-CHIA cấp phát. Hắn tỏ ra rất quan tân đến những lời tôi trình bày, và sau khi đã đọc xong tờ chứng-minh-thư, hắn đưa trả lại tôi và nói:
- Hãy giữ kỹ chứng-minh-thư ấy. Tốt lắm! Nhưng bây giờ tôi không quyết định gì được. Tôi sẽ trình ngay lên thượng-cấp Angkar Loeu (tiếng Căm-Bu-Chia, chỉ: cơ-quan tối-cao của đảng cộng-sản). Trong thời gian chờ đợi, tôi vẫn đối xử với mấy người như mọi người khác. Đó là nguyên tắc. Trong lúc chiến tranh bọn đế quốc đã cài nhiều gián điệp vào cơ quan với những giấy tờ giả mạo để phá rối. Mấy người hiểu chứ!
Khi rời khỏi văn phòng viên chỉ huy, tôi không dấu nổi sự lo lắng tràn ngập trong lòng và cảm thấy đắng trong cổ họng. Cô em gái tôi cũng lộ vẻ thất vọng chán chường.

Đến khoảng một giờ trưa, đoàn người lưu đày lại phải sắp hàng trước văn phòng để đợi lịnh. Lần này đoàn người chia ra làm 3 nhóm: nhóm cựu quân nhân, nhóm công chức và nhóm quần chúng. Bây giờ anh em tôi chợt để ý đến 2 cô con gái, chắc là 2 chị em, người lớn nhất khoảng 18, còn cô em khoảng 16 tuổi, đang lẽo đẽo đi theo người cha vào nhóm công chức. Tên lính Khờ-Me đỏ đến đuổi 2 cô ra, và chỉ đến khu dành cho quần chúng. Hai chị em đến đứng kế bên anh em tôi, nước mắt lưng tròng.

Chỉ một lát sau bọn lính Khờ-Me đỏ đã lùa đám cựu quân nhân và công chức đi mất dạng. Trên sân chỉ còn lại đám quần chúng. Bấy giờ cô chị mới lên tiếng làm quen với Lan-Thi, em tôi:

- Có phải chị đến từ Nam-Vang không?
- Phải, tụi tôi ở Nam-Vang đến. Lan-Thi đáp.
- Tụi em cũng thế! Bây giờ tụi em cảm thấy cô đơn quá chị ạ! Mẹ em đã bị họ giết ngay tại nhà, vì mẹ em đang đau nặng không di tản được. Bây giờ thì họ lại bắt ba em đem đi nốt. Tụi em không biết số phận sẽ ra sao? Chị cho phép tụi em theo chị với. Tụi em không quen biết ai ở đây cả!
Lan-Thi ái ngại đáp:
- Được rồi. Đừng có lo! Ba của em thuộc thành phần gì? Tại sao họ lại lùa đi?

- Ba em vốn là công-chức bộ y-tế.
Lan-Thi tiếp lời như muốn an ủi:
- Gia-đình tôi cũng tan nát cả. Tôi nghĩ chắc ai cũng chung một hoàn cảnh như bọn mình thôi!
Cô em gái xen vào:
- Anh chị là vợ chồng hả?
- Vâng, chúng tôi mới lấy nhau. Lan-Thi đáp và liếc nhanh về phía tôi.
Cô chị nói tiếp:
- Em xin lỗi anh chị, nãy giờ chưa kịp tự giới thiệu gì cả. Em tên Phalla, còn em gái em tên Sophi.
Lan-Thi cũng vội vàng tự giới thiệu:
- Đây là anh Chấn, chồng tôi. Còn tôi tên là Sơn Liên.
Bỗng có dáng 1 tên Khờ-Me đỏ bước tới, chúng tôi liền nín bặt.

18. TẤN CÔNG TÌNH CẢM
Dù muốn dù không, chúng tôi cũng phải hoàn tất căn lều lá trong vòng 14 ngày trong khu rừng rậm, với dụng cụ chỉ vỏn vẻn có 1 cái dao ngắn và 1 cái rìu do văn phòng trại cho mượn. Chị em Phalla và Sophi cũng dựng lều sát bên chúng tôi. Đêm nay là đên đầu tiên chúng tôi ngủ trong cái lều do chính tay mình dựng lên. Em tôi vì đã làm việc quá mệt ngọc cả ngày, nên vừa đặt lưng xuống là nàng đã ngáy khò khò. Còn tôi, tuy cũng mỏi mệt rã rời chân tay, nhưng không sao chợp mắt được. Tôi cứ nằm trằn trọc, thao thức suy nghĩ miên man suốt đêm. Trước mắt tôi ngọn đèn dầu leo lét bập bùng vì gió lùa qua khe vách, và bên tai tôi nghe những âm thanh rùng rợn, thê thảm từ rừng sâu vang vọng, nhất là tiếng vượn hú gọi con não nuột làm tôi không sao cầm được nước mắt nhớ đến mẹ tôi, không biết giờ đây đang ở phương trời nào và ai là người dựng lều cho bà ngủ? Chắc phải là dì Minh, người vú già thân tín của gia đình tôi. Dì khéo tay và tháo vát lắm. Thế rồi tôi mơ tưởng về căn phòng đẹp đẽ của tôi trong gian nhà sang trọng rộng rãi ở thủ đô. Đến gần sáng tôi mới thiếp đi được một chút trong giấc ngủ ngắn nặng nề.
Mỗi ngày, theo lệnh, anh em tôi đều phải vào rừng đốn cây, dọn đất để sửa soạn trồng tỉa.
Trong lúc Lan-Thi đang loay hoay với con dao nhỏ để chặt một cành cây gai dai dẳng không đứt, bỗng một tên Khờ-Me đỏ bước đến nói:
- Đưa con dao tôi mượn. Tôi sẽ chỉ cho cách chặt cây nhanh và gọn hơn.
Lan-Thi vội đưa dao cho hắn. Chúng tôi để ý quan sát thấy hắn còn trẻ, cỡ tuổi chúng tôi, nhưng dáng người vạm vỡ, vai ngang, thân hình cứng cáp như một nông dân. Đôi mắt của hắn linh động nhưng thay đổi bất thường, khi thì có vẻ hung-ác khi lại lộ vẻ ôn hòa.
Sau khi đã chỉ cách đốn cây cho Lan-Thi hắn nói với giọng thật khoan hòa:
- Tôi cho phép đồng chí nghỉ tay 1 chút đó. Tôi để ý thấy đồng chí đã làm việc nhiều suốt từ sáng đến giờ.
- Cám ơn đồng chí.
Lan-Thi nói, nhưng vẫn không dám ngẩng mặt lên nhìn hắn.
- Tại sao đồng chí lại hớt ngắn mái tóc đẹp của đồng chí đi? Hắn hỏi.
- Đồng chí chỉ huy đã ra lệnh từ hôm mới tới, mọi người đều phải hớt tóc ngắn, thưa đồng chí.
- Tôi cho phép đồng chí được để tóc dài đó.
- Nhưng nếu đồng chí chỉ huy thấy tôi để tóc dài thì sao? Mỗi tuần tôi phải đến văn phòng trại 2 lần để lãnh khẩu phần gạo.
- Đồng chí đừng lo. Nếu có ai hỏi, đồng chí cứ nói do tôi đồng chí Toum - đã cho phép để tóc dài. Để yên tâm tôi cho đồng chí biết, tôi là cháu kêu đồng chí chỉ huy trưởng bằng câu.
- Vậy à? Lan-Thi nói và hỏi thêm: “Vậy ra đồng chí có trách nhiệm giám sát toán tụi tôi sao?”
- Phải. Tôi trách nhiệm toán các đồng chí, gồm 235 người mới tới. Tôi vừa thay thế cho 1 đồng chí phải đổi ra mặt trận khoảng 1 tháng trước đây. Có phải chính đồng chí đã cùng với chồng vào gặp mặt Kamaphibal hôm mới tới không?
- Dạ phải, vì ông xã tôi đã làm việc cho cách mạng trong thời gian chiến tranh vừa qua. Lan-Thi đáp.
- Tôi đã tự giới thiệu với đồng chí tên tôi là Toum. Còn đồng chí tên gì?
- Lan-Thi... Ấy, chết quên! Sơn Liên, xin lỗi đồng chí. Tên Khờ-Me hỏi gặng:
- Tôi muốn biết chắc đồng chí tên là Lan-Thi hay Sơn-Liên?
- Dạ, tôi có 2 tên gọi ở nhà. Đồng chí có thể gọi tôi Lan-Thi hay Sơn-Liên gì cũng được.
- Vậy tôi sẽ gọi đồng chí bằng tên Lan-Thi, vì nó nghe hay hơn. Mỗi ngày tôi đều đến đây, vậy kể từ ngày mai tôi sẽ lãnh khẩu phần gạo đem đến cho đồng chí. Đồng chí khỏi phải lặn lội mỗi lần 12 c.s. đi về để lãnh gạo nữa.
- Ồ như thế thì quý hóa quá. Cám ơn đồng chí nhiều lắm!
Cuộc tấn công tình cảm bất ngờ của tên Khờ-Me đỏ khiến Lan-Thi vô cùng bối rối và lo sợ, nhưng nàng lấy lại được bình tĩnh ngay, khi nghĩ rằng trước con mát bọn Khờ-me đỏ nàng là người đàn bà có chồng. Tối hôm đó, về lều, chúng tôi bàn luận với nhau rất nhiều về chuyện này. Lan-Thi nói:
- Em biết trong hoàn cảnh này, nếu nó muốn gì, em cũng phải chiều theo ý nó. Chúng nó cầm quyền sinh sát chúng ta trong tay...
Tôi nói:
- Dù sao em cũng phải tìm đủ mọi cách diên trì, đánh đòn tâm lý, để kéo dài thời gian chờ ngày có kết quả cuộc điều tra của Angkar về chứng-minh-thư thành tích cách mạng của anh. Khi đó, mình sẽ dễ nói chuyện hơn.
Hôm sau, vào buổi trưa, khi chúng tôi, đang ngồi trên một thân cây khô để ăn uống nghĩ ngơi thì Toum lại đến, đem theo nhiều đồ ăn cho Lan-Thi.
- Đồng chí thấy không. Hắn nói. Tôi đã giữ lời hứa. Đây là gạo, cá khô, rau và trái cây tôi đem đến cho đồng chí dư dùng suốt cả tuần.
- Cám ơn đồng chí nhiều lắm. Lan-Thi vui vẻ nói, nhưng vẫn không dấu được vẻ bối rối lo ngại. Mời đồng chí ngồi đây ăn với chúng tôi luôn.
- Không, cám ơn. Tôi đã ăn rồi. Thôi để lần sau vậy... Toum đáp, và chợt quay ra phía khác nói: “Để tôi coi cái gì xảy ra đàng kia”. Đồng thời, hắn rảo bước về phía đó.
Lan-Thi và tôi vô cùng khoan khoái được nếm mùi cá khô. Chúng tôi chia cho Phalla và Sophi mỗi người một ít. Hai chị em cô bé mắt sáng lên vì sung sướng. Từ lâu chúng tôi chỉ được ăn toàn cơm độn rễ khoai với muối hột!

19. CON QUÁI VẬT SI TÌNH!
Hôm sau Toum lại đến, nhưng lần này trước bữa ăn trưa. Trên tay hắn cầm một bó hoa lan và xách 1 túi nặng đựng đầy gạo, với một con gà quay và nhiều trái cây. Lan-Thi kêu tôi:
- Anh lại đây mà xem. Đồng chí Toum đem đến cho em hoa lan và thức ăn nhiều ghê nè!
Tôi gác rìu lên 1 nhánh cây và rảo bước đến. Lan-Thi nói với Toum giọng thân mật:
- Hôm nay đồng chí ở đây ăn với chúng tôi đấy nhé.
- Ừ, tôi có đem theo con gà quay nữa, vì tôi nghĩ đã lâu đồng chí không được ăn món này.
Chúng tôi trải tấm nệm cói xuống đất để làm bàn ăn. Trước khi ngồi xuống, Toum tháo dây nịt đeo súng và băng đạn bên hông ra để một bên cùng với 1 cây gậy bằng gỗ mun đen bóng, dài khoảng gần nửa thước, một đầu to hình lục-giác, một đầu nhỏ, chỗ tay cầm có chạm trổ công phu. Thực sự, tôi chưa từng thấy 1 cây gậy nào đẹp như thế.
Trong khi ăn, chỉ một mình Toum là nói nhiều, anh em tôi thỉnh thoảng mới dè dặt nêu lên vài câu hỏi để cho câu chuyện trôi chảy. Hắn nói:
- Các đồng chí thấy hầu hết các đồng chí cách mạng khác đều mù chữ, chỉ có mình tôi là biết đọc, biết viết. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1970, lúc ấy tôi đã 15 tuổi, tham gia cách mạng. Cậu tôi muốn tôi sớm được gia nhập đảng, nhưng rất khó. Nó đòi hỏi phải là 1 con người có tâm hồn khác hẳn mọi người thường. Sau đó, người cán bộ còn phải tranh đấu nhiều để được gia nhập vào ủy ban trung ương đảng. Tất cả quyền lực đều nằm trong tay của chánh trị bộ. Cậu tôi có chân trong chánh trị bộ. Cậu tôi nói: muốn trở thành đảng viên trước hết phải không biết sợ là gì và không được để cho tình cảm yếu đuối chế ngự. Tôi có thể hành quyết 1 lần cả trăm người không ngán, nhưng chỉ đàn ông thôi. Chẳng biết tại sao tôi không bao giờ dám giết đàn bà. Tôi luôn tìm cách đẩy việc này cho mấy nữ đồng chí làm. Đã nhiều lần cậu tôi phát khùng lên với tôi và la rầy tôi dữ dội về việc này...
Nghe nói, tôi và Lan-Thi chỉ biết ngầm đưa mắt nhìn nhau. Chợt Lan-Thi tò mò hỏi:
- Vậy đồng chí cũng đã tham gia các cuộc hành quyết sao?
- Dĩ nhiên. Đó là điều cần thiết. Để bảo vệ cách mạng và tự do.
- Xin lỗi đồng chí, cho phép tôi hỏi tò mò 1 chút.
- Cứ tự nhiên. Đừng e ngại gì. Tôi cũng muốn nói cho mấy đồng chí biết về công việc cách mạng của chúng tôi.
- Xin đồng chí cho biết những người đi cùng chuyến với tụi tôi đến đây hôm trước, đã bị lùa riêng ra ngay sau khi nạp tờ khai lý lịch, bây giờ họ đang ở đâu?
- Tất cả đều đã bị xử tử rồi. Họ đều là cựu sĩ quan, binh sĩ và công chức của chế độ thối nát Lon Nol. Tại sao các đồng chí lại bận tâm về bọn ấy?
Lan-Thi chỉ tay về phía 2 chị em Phalla và Sophi đang ở gần đó và nói:
- Hai chị em cô bé ấy cho đến giờ vẫn chưa biết đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha 2 cô ấy là cựu công chức, thuộc nhóm đó.
Toum bình thản nói:
- Tội nghiệp cho 2 chị em cô ấy. Nhưng đó là quyết định của Angkar. Tôi còn biết trong đám người đến đây có nhiều người khai gian lý lịch, đổi tên giả. Số phận họ rồi cũng sẽ như thế. Nhưng chậm hơn vì có thể phải đến cả năm chúng tôi mới khám phá ra sự giả mạo ấy. Tất cả đều là những phần tử nguy hiểm đối với cách mạng.
- Nhưng bây giờ bọn họ đã bị phân tán mỏng ra hết rồi, và đâu có võ trang gì nữa. Tôi nói.
- Dù vậy, họ vẫn là những kẻ thù của cách mạng, cần phải tận diệt. Đồng chí biết tại sao cách mạng không xài bọn bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật, giáo sư.v.v... không? Bọn chúng cũng là những phần tử nguy hiểm cho cách mạng.
Bữa ăn này, toàn đồ ăn ngon, nhưng qua lời nói của Toum, tôi cảm thấy dư vị tanh hôi và lợm giọng.

2 nhận xét:

  1. Hy vọng rằng một chế độ như vậy sẽ lặp lại ở trên trái đất này.

    Trả lờiXóa
  2. @Bác Phú Hòa tính nói "hy vọng rằng một chế độ như vậy sẽ không..." chứ nhẩy.

    Trả lờiXóa